Ba lý do khiến tàu Titanic không bao giờ được trục vớt

Phạm Hường

(Dân trí) - Kể từ khi tàu Titanic bị chìm vào năm 1912, người ta vẫn luôn cố nghĩ ra các cách để trục vớt nó lên. Thế nhưng điều này dần trở nên bất khả thi.

Ba lý do khiến tàu Titanic không bao giờ được trục vớt - 1

Tàu Titanic bị đắm vào năm 1912. Kể từ đó đến nay, con tàu luôn thu hút được sự quan tâm và gây nhiều tò mò. (Ảnh: Topical Press Agency/Getty Images).

Nhà văn Daniel Stone, Giáo sư Khoa học và Chính sách Môi trường ở Trường đại học John Hopkins, Mỹ, từng viết trong cuốn sách "Đắm chìm: Nỗi ám ảnh, biển sâu và xác tàu Titanic" như sau: "Không chỉ thép mũi tàu quá giòn để có thể cẩu được dù có là cần cẩu siêu năng nhất, mà còn là bùn hoạt động như cát lún dưới biển sâu từ bấy đến nay là thời gian lâu hơn cả một đời người."

Như vậy, có thể thấy rằng cấu trúc không còn bền vững để trục vớt khiến tàu Titanic sẽ bị chìm vĩnh viễn. Tuy nhiên, còn những yếu tố khác được chỉ ra dưới đây.

Vị trí xác tàu Titanic là một nghĩa địa

Ba lý do khiến tàu Titanic không bao giờ được trục vớt - 2

Trong một cuộc thám hiểm, tàu thám hiểm Hercules đã chụp được bức ảnh lan can mũi tàu Titanic rỉ sét (Ảnh: Hercules).

Khoảng 1.500 người đã thiệt mạng trong vụ chìm tàu Titanic. Sau khi tai nạn xảy ra, người ta đã vớt được 300 thi thể. Những người khác mặc áo phao có thể đã bị dòng nước cuốn đi xa hơn, số còn lại bị chìm cùng với con tàu.

Chính phủ Anh và Mỹ đã chính thức nhất trí coi con tàu đắm này là một nơi tưởng niệm. Năm 2020, RMS Titanic Inc. - công ty sở hữu quyền cứu hộ con tàu - đã lên kế hoạch lấy lại chiếc đài radio cấp cứu. Kế hoạch này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc đoàn thám hiểm có thể động đến hài cốt của những nạn nhân xấu số còn nằm lại cùng với con tàu.

Một số khác lại cho rằng động vật và nước mặn dưới biển đã khiến các thi thể bị phân hủy hoàn toàn. Đạo diễn phim nổi tiếng James Cameron, người đã lặn hàng chục lần xuống thăm quan xác tàu Titanic nói rằng ông không nhìn thấy xác người nào còn lại.

Đối với một số người, con tàu đắm là một vật chứng của thảm kịch, cho dù có còn lại gì bên trong hay không. Nhiều người là con cháu của các nạn nhân coi đây là mộ chí của người thân. Năm 1987, bà Eva Hart - một trong những người sống sót sau thảm kịch - gọi những người trục vớt đồ từ nơi này là những "kẻ săn của, kền kền, cướp biển".

Xác tàu xuống cấp

Ba lý do khiến tàu Titanic không bao giờ được trục vớt - 3

Trong bức ảnh chụp năm 1996 này, xác tàu Titanic vẫn còn có một chiếc bồn tắm. (Ảnh: Xavier Desmier/ Getty Images).

Như đã đề cập, cấu trúc không còn bền vững để trục vớt khiến tàu Titanic nhiều khả năng sẽ bị chìm vĩnh viễn.

Tàu Titanic vốn dĩ được chế tạo từ hàng nghìn tấm thép dày 2,45 cm và hai triệu đinh tán bằng thép và sắt rèn. Halomonas titanicae, một vi khuẩn được đặt tên theo tên của con tàu, đang làm việc miệt mài để ăn sắt và sulfur trên tàu. Khi vi khuẩn ăn sắt của tàu, chúng tiết ra cái gọi là rỉ sét bao phủ lấy con tàu.

Rỉ sét là thể yếu của kim loại, rất dễ gãy vụn. Các dòng hải lưu và muối ăn mòn cũng góp phần làm con tàu bị hư hại thêm theo thời gian. Mức độ xuống cấp của con tàu được thấy rõ khi so sánh những bức ảnh chụp phòng ở của thuyền trưởng Edward Smith từ năm 1996 đến năm 2019.

Nhà sử học Parks Stephenson chuyên viết về tàu Titanic cho biết bồn tắm của thuyền trưởng là hình ảnh yêu thích của những người hâm mộ con tàu, mà giờ đây đồ vật đó cũng đã biến mất. Toàn bộ khu vực đó đã bị sập, kéo theo nó cả các phòng khánh tiết, và tình trạng xuống cấp sẽ tiếp tục gia tăng.

Chi phí trục vớt vô cùng lớn

Những người hâm mộ Titanic vẫn luôn mơ tưởng đến những cách để trục vớt con tàu suốt từ năm 1914 đến nay, khi kỹ sư Charles Smith nghĩ ra kế hoạch gắn dây cáp điện từ vào thân tàu và nâng lên bằng động cơ hơi nước cùng dây tời.

Vào thời điểm đó, ông ước tính chi phí có thể lên tới 1,5 triệu đô la Mỹ, tương đương với 45 triệu đô la Mỹ hiện nay.

Năm 2013, tàu du lịch Costa Concordia bị chìm, chi phí trục vớt nó khi đó là 800 triệu đô la Mỹ, mà nó chỉ bị chìm một phần. Titanic chìm sâu toàn bộ dưới đáy biển nên việc trục vớt sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm