Australia tài trợ lắp đặt hệ thống lọc nước ô nhiễm ở đồng bằng sông Hồng
(Dân trí) - Dự án “Nước sạch và công nghệ 4.0” do các nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Sydney (UTS) và các đối tác Việt Nam, được tài trợ bởi Chính phủ Australia, đã được khởi động thành công tại bốn xã vùng đồng bằng sông Hồng.
Nằm trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo Aus4Innovation của Australia hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, dự án này nhằm ứng dụng những kết quả nghiên cứu về lọc nước nhiễm arsen và các chất ô nhiễm khác để cung cấp nước sạch cho người nghèo.
Là xã ngoại thành Hà Nội, từ nhiều năm nay xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa vẫn chưa có nước sạch để dùng. Theo các nghiên cứu của UNICEF, một số quận huyện phía nam Hà Nội trong đó có Ứng Hòa, cũng như ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, nước ngầm bị nhiễm arsen rất nặng trong khi công trình nước sạch đạt chuẩn Bộ Y tế rất thấp. Người dân trong xã phải dùng nước ngầm chỉ được lọc thô qua cát cho sinh hoạt hàng ngày, và mua nước đóng bình để ăn uống.
Ngay trước thềm năm học mới 2020 - 2021, cùng với việc hoàn thành và đưa vào sử dụng ngôi trường mới khang trang, Trường Mầm non Xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Tây lần đầu tiên được lắp đặt hai hệ thống lọc nước hiện đại, hiệu quả, có khả năng lọc arsen và các chất ô nhiễm khác trong nước ngầm
Hệ thống lọc nước sinh hoạt có công suất 5m3/h và hệ thống lọc nước uống liền công suất 250l/h sẽ cung cấp nước sạch và an toàn cho khoảng 800 em học sinh cùng hàng chục cán bộ giáo viên của trường.
Hiệu trưởng nhà trường – cô Bùi Thị Nhung, cho biết: Chúng tôi rất vui mừng khi trường có nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn và tốt cho sức khỏe của các em nhỏ. Bố mẹ các em cũng sẽ yên tâm khi gửi con đến trường.
Ông Phạm Văn Đoàng, trưởng thôn Ngọc Động, là một trong hai người đầu tiên được lắp thử nghiệm hệ thống lọc cho hộ gia đình từ tháng 6.2020. Sau 2 tháng sử dụng, ông cho biết: "Tôi cảm thấy rất yên tâm. Khác với trước đây, bây giờ đi làm về, hoặc khi các cháu nhà tôi đi học về, chúng tôi có thể uống nước sạch từ vòi".
Bên cạnh xã Phương Tú, dự án đang được thực hiện ở 3 xã tại tỉnh Hà Nam, nhằm lắp đặt hệ thống lọc cho 300 gia đình và 3 cơ sở công cộng.
Tại Hà Nam, nước sông Nhuệ được sử dụng để xử lý làm nước máy cấp cho người dân. Song theo số liệu quan trắc mới đây của Tổng cục Môi trường, lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy có chất lượng môi trường nước từ xấu đến rất xấu với 13 điểm ô nhiễm, chiếm 62% số điểm quan trắc.
Dự án do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ thông qua Chương trình Aus4Innovation nhằm tăng cường năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam và được quản lý bởi Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) với đối tác chiến lược là Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST).
Đây là bước phát triển tiếp theo từ một dự án nghiên cứu hệ thống lọc nước nhiễm arsen được thực hiện từ 2017 cũng do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia thông qua chương trình InnovationXChange tài trợ.
Ở đồng bằng sông Hồng, theo đánh giá của nhóm nghiên cứu của Thuỵ Sỹ kết hợp với Đại học Khoa học tự nhiên xuất bản năm 2011, khoảng 1 triệu người phải dùng nước nhiễm arsen (cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới 0,01mg/L).
Trong thời gian từ 2017 - 2019, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Sydney (Australia) và Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công một loại vật liệu lọc arsen trong nước ngầm rất hiệu quả từ các nguyên liệu địa phương, giá thành hợp lý, thân thiện với môi trường, đảm bảo loại bỏ được arsen trong nước xuống dưới 0.01mg/L, đạt tiêu chuẩn chất lượng nước ăn uống QCVN.
Trong dự án “Nước sạch và công nghệ 4.0”, UTS đã hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam, như Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) và Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và chuyển giao công nghệ cho Công ty Công nghệ Môi trường Quang Minh để chế tạo các hệ thống lọc mới quy mô phù hợp hộ gia đình và công trình công cộng như trường học, nhà văn hoá. Ngoài arsen, hệ thống lọc mới có thể xử lý các chất ô nhiễm khác như amoni, chất hữu cơ, vi khuẩn mầm bệnh đảm bảo chất lượng nước sau xử lý đáp ứng tiêu chuẩn nước uống của Việt Nam.