Bạc Liêu:

2 năm không chi tiền cho đề tài nghiên cứu khoa học vì... lo khắc phục sai phạm

(Dân trí) - Nguồn vốn dành cho các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ giai đoạn 2013-2017 cao nhưng giải ngân thấp, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cho rằng, do công tác quản lý đề tài để xảy ra nhiều vấn đề sai phạm nên chỉ tập trung khắc phục. Giải trình này bị Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu bác lại.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa 9 vừa diễn ra mới đây, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) của tỉnh này đã bị các đại biểu chất vấn xung quanh việc nguồn vốn dành cho nghiên cứu đề tài khá cao nhưng giải ngân thấp, cũng như cấp tỉnh dư, còn cấp cơ sở lại thiếu,…

Không giải ngân được vốn do bị thanh tra sai phạm

Đại biểu Hồ Thị Tuyết Nhung (Phó Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Bạc Liêu) phản ánh: Giai đoạn 2013-2017 việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các đề tài, dự án (gọi chung là đề tài) chưa được quan tâm thường xuyên và hiệu quả không cao. Nguồn vốn ghi khá cao nhưng giải ngân thấp, chưa sử dụng và chuyển nguồn còn nhiều, mỗi năm đều tăng (năm 2017 là 15,721 tỷ đồng, chiếm đến 31,1% tổng vốn đã ghi). Trong khi đó, nhiều Hội đồng khoa học (HĐKH) cấp cơ sở phản ánh là không có vốn để triển khai đề tài.

Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết nguyên nhân, thực trạng và giải pháp sắp tới giải quyết như thế nào để phát huy hiệu quả nguồn vốn nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?

Ông Huỳnh Hùng Dũng- Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bạc Liêu thừa nhận có việc vốn cho đề tài nghiên cứu khoa học cao nhưng giải ngân thấp, chuyển nguồn nhiều.
Ông Huỳnh Hùng Dũng- Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bạc Liêu thừa nhận có việc vốn cho đề tài nghiên cứu khoa học cao nhưng giải ngân thấp, chuyển nguồn nhiều.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, trả lời đại biểu, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&CN tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Hùng Dũng thừa nhận, phản ánh của đại biểu đặt ra là có cơ sở.

Ông Dũng cho biết, từ năm 2013-2017, tổng kinh phí được phân bổ cho hoạt động KHCN cấp tỉnh là 50,491 tỷ đồng. Tổng số đề tài được UBND tỉnh phê duyệt là 27 đề tài; đã thực hiện được 18 đề tài, với kinh phí 34,77 tỷ đồng; còn lại 9 đề tài chưa đủ điều kiện để thực hiện, với kinh phí còn tồn đọng là 15,721 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Hùng Dũng, nguyên nhân là trong giai đoạn từ 2014-2016, công tác quản lý đề tài của Sở KH&CN để xảy ra nhiều vấn đề sai phạm. “Do đó, trong giai đoạn này chỉ tập trung khắc phục, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nên các đề tài tạm thời chưa thực hiện, dẫn đến việc giải ngân thấp và chuyển nguồn cho những năm tiếp theo”, ông Dũng lý giải.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam không đồng tình khi lãnh đạo Sở KH&CN báo cáo 2 năm liền (2014-2016) không tham mưu UBND tỉnh để xét duyệt đề tài với lý do là lĩnh vực này bị thanh tra, kiểm tra vì có sai phạm.

“Tôi chia sẻ với các đồng chí việc đó là vấn đề cũ, riêng vấn đề mới chúng ta vẫn phải tiếp tục tham mưu, chứ không lẽ thanh, kiểm tra thì chúng ta lại dừng không làm nhiệm vụ nữa sao. Cái đó các đồng chí cần phải rút kinh nghiệm để sắp tới làm tốt hơn”, bà Nam lưu ý.

Khoa học công nghệ chưa tương xứng với sự phát triển của tỉnh

Đại biểu Hồ Thị Tuyết Nhung cho biết, qua giám sát vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2018, HĐKH cơ sở đều phản ánh hàng năm kinh phí cấp thực hiện các đề tài là không đủ theo nhu cầu. Vì nguồn kinh phí quá ít nên HĐKH cơ sở khống chế, chỉ xét một số đề tài để đáp ứng cơ bản phần nào đó.

Theo đại biểu Nhung, cấp cơ sở thì không đăng ký được, còn cấp tỉnh hầu như không tổ chức xét duyệt đề tài. Cụ thể, từ 2013-2017, UBND tỉnh phê duyệt 27 đề tài, trong đó năm 2013 là 24 đề tài, năm 2016 là 3 đề tài, còn 3 năm (2014, 2015, 2017) thì không xét đề tài nào.

“Vậy, trách nhiệm của Sở KH&CN trong vai trò là cơ quan thường trực HĐKH cấp tỉnh trong việc này như thế nào? Hiện nay, trong số 27 đề tài, còn 9 đề tài chưa triển khai thực hiện thì nguyên nhân tại sao? Sắp tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiên cứu, ứng dụng các đề tài như thế nào?”, đại biểu Nhung tiếp tục truy vấn.

Đại biểu Hồ Thị Tuyết Nhung truy vấn trách nhiệm của Sở KH&CN.
Đại biểu Hồ Thị Tuyết Nhung truy vấn trách nhiệm của Sở KH&CN.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Huỳnh Hùng Dũng cho biết, đối với đề tài cấp cơ sở theo quy định là từ 30-50 triệu đồng, nếu vượt thì xin ý kiến Sở KH&CN; còn trên 50 triệu đồng thì gửi về Sở KH&CN để làm đề tài cấp tỉnh. Các HĐKH cơ sở thì chưa thấy có kiến nghị này.

“Hiện nay, một số HĐKH cơ sở đang kiến nghị là tại sao không giao cho cơ sở quyết luôn mức 50 triệu đồng, không cần thông qua Sở KH&CN. Sở sẽ tiếp thu và tham mưu cho UBND tỉnh xem xét vấn đề này”, ông Dũng nói.

Ông Huỳnh Hùng Dũng cũng phân trần, với những đề tài còn tồn đọng hiện nay thì chưa liên hệ được các chủ nhiệm đề tài. Một số đề tài đã phê duyệt, liên hệ được nhưng chưa đạt yêu cầu, bổ sung hồ sơ có liên quan nên tới giờ vẫn còn vướng lại.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Hồ Thanh Thủy cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là nhu cầu của HĐKH cấp cơ sở cần vốn rất nhiều nhưng lại thiếu. Trong khi đó, vốn của HĐKH cấp tỉnh lại giải ngân không hết, chuyển nguồn nhiều. “Lãnh đạo Sở thấy vấn đề này như thế nào và có giải pháp gì khắc phục trong thời gian tới?”, ông Thủy đặt vấn đề.

Theo ông Huỳnh Hùng Dũng, đối với nguồn vốn phân bổ cho HĐKH cấp huyện là 300 triệu đồng/năm. “Nếu HĐKH cấp huyện thấy không đủ thì tham mưu bằng văn bản gửi Sở KH&CN, để Sở tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh có thể tăng hay giảm tùy vào điều kiện thực tế của các địa phương”, ông Dũng nêu giải pháp.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam đề nghị Sở KH&CN nghiêm túc đánh giá, rà soát lại để việc quản lý nhà nước về khoa học công nghệ tốt hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam đề nghị Sở KH&CN nghiêm túc đánh giá, rà soát lại để việc quản lý nhà nước về khoa học công nghệ tốt hơn trong thời gian tới.

Qua phần giải trình của lãnh đạo Sở KH&CN, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lê Thi Ái Nam băn khoăn: Các đề tài của HĐKH cấp tỉnh chuyển nguồn quá nhiều, trong khi HĐKH cơ sở rất cần nguồn vốn để chi, trong đó có một số lĩnh vực lớn mà tỉnh khuyến khích nghiên cứu như nông nghiệp, y tế,...

Theo bà Lê Thị Ái Nam, thời gian qua việc phát triển phong trào KH&CN là chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. “Tôi thấy việc này còn hạn chế. Do đó, Sở KH&CN cần phải nghiêm túc đánh giá, rà soát lại việc tham mưu UBND tỉnh trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN, nhất là các đề tài nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tốt hơn nữa”, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu đề nghị.

Huỳnh Hải