Hà Nam:
Thống nhất biện pháp xử lý đối các đường ngang dân sinh trái phép
(Dân trí) - Nhằm giảm thiểu số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn đường sắt, ngày 22/7, UBND tỉnh Hà Nam đã làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để thống về biện pháp xử lý đối với các đường ngang dân sinh và phân định rõ trách nhiệm của mỗi bên.
Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2015, tại Hà Nam, số vụ tai nạn giao thông đường sắt và số người chết lại có xu hướng tăng và chủ yếu xảy ra trên các đường ngang dân sinh tự phát. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam, tuyến đường sắt Bắc Nam có chiều dài 32,2 km do công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Ninh quản lý (bao gồm cả tuyến đường nhánh Phủ Lý – Kiện Khê).
Trong số 32,2km đường sắt này, tại tỉnh Hà Nam có 38 đường ngang hợp pháp, nhưng có đến 179 đường ngang dân sinh tự phát. Theo thống kê, đoạn đường sắt chạy qua huyện Duy Tiên có 3 đường, thành phố Phủ Lý 52 đường, huyện Bình Lục 54 đường và huyện Thanh Liêm với 70 đường ngang dân sinh.
Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ các đường ngang dân sinh và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, phía UBND tỉnh Hà Nam và đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã đưa ra các giải pháp tại các đường ngang dân sinh như sẽ bổ sung hàng rào, đường gom; rào thu hẹp đường ngang; trồng biển “Chú ý tàu hỏa”; tăng cường chốt gác; tuyên truyền nhân dân đảm bảo ATGT…
Trong khi đó, thực hiện quy chế phối hợp số 14 giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Hà Nam, công ty Quản lý đường sắt Hà Ninh và UBND tỉnh Hà Nam đã phối hợp xây dựng 1.123m hàng rào đường gom; vận động, tuyên truyền và giải tỏa cây cối trong khu vực hành lang an toàn giao thông đường sắt; đóng thành công đường ngang km 70+555; tổ chức chốt gác tại 10 vị trí (6 điểm là đường ngang hợp pháp và 4 điểm là đường dân sinh). Tuy nhiên, công tác thực hiện quy chế phối hợp giữa hai bên vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị ngành đường sắt phối hợp với tỉnh Hà Nam tiếp tục nâng cấp hạ tầng đường sắt. Không để phát sinh thêm đường dân sinh mới, đồng thời từng bước xóa bỏ các lối dân sinh mở trái phép hiện có. Khảo sát, hạ dốc một số đường ngang có độ dốc cao.
Ông Hiến cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam quan tâm đến các đề xuất của tỉnh Hà Nam, trong đó, có việc làm cầu vượt tại một số điểm giao cắt công cộng và nghiên cứu quy hoạch chuyển đường sắt ra khỏi khu vực nội thành.
Đức Văn