Phạt 20 tỷ đồng xe vi phạm tải trọng trong 1 tháng

(Dân trí) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong tháng 10/2016, lực lượng chức năng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 2.000 xe vi phạm tải trọng, 164 xe vi phạm về kích thước thùng hàng… Xử phạt nộp kho bạc nhà nước 20 tỷ đồng.

Cụ thể, lực lượng chức năng tại các Trạm kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động, cố định và Thanh tra các Sở Giao thông vận tải (GTVT) sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 37.804 xe, trong đó 1.962 xe vi phạm về tải trọng, 160 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 844 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 18,8 tỷ đồng.

Trong tháng 10/2016, Thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã tiến hành kiểm tra 54 xe, trong đó 42 xe vi phạm về tải trọng, 04 xe vi phạm về kích thước thùng hàng, tước 35 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 1,2 tỷ đồng.

Tình trạng xe chở quá tải sẽ được siết chặt để xử lý dứt điểm trong thời gian tới (ảnh minh họa: Xuân Hinh)
Tình trạng xe chở quá tải sẽ được "siết" chặt để xử lý dứt điểm trong thời gian tới (ảnh minh họa: Xuân Hinh)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện vẫn còn một bộ phận chủ xe, lái xe vẫn cố tình cơi nới kích thước thùng xe, chở hàng quá tải; các xe vi phạm chủ yếu là các xe chở nông, lâm sản, chở đất, đá, vật tư, vật liệu xây dựng cung cấp cho các Dự án xây dựng dân dụng, giao thông.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng một số địa phương có dấu hiệu buông lỏng, thậm chí tiêu cực, các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở hàng quá tải vẫn lưu thông trên địa bàn, chủ yếu lưu thông đường ngắn, qua địa bàn một số tỉnh, thành phố, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát tải trọng phương tiện, mới đây Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký ban hành Kế hoạch số 12885/KH-BGTVTvề tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Theo đó, tiếp tục duy trì, thực hiện đồng bộ các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn một cách bền vững tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường bộ.

Kế hoạch tập trung vào 5 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, đó là công tác tuyên truyền; công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện; công tác kiếm soát tải trọng phương tiện; công tác quản lý các hoạt động vận tải và công tác ứng dụng khoa học công nghệ trong kiểm soát tải trọng xe.

Trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ban hành kèm theo Quyết định số 1885/QĐ-TTg ngày 30/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung kiểm soát, xử lý ngay tại nơi xuất phát hoặc gần khu vực đầu nguồn hàng, những nơi thường xuyên xảy ra tình trạng xe chở hàng quá tải trọng cho phép; triển khai KSTTX lưu động và đột xuất tại những đoạn đường bộ khi xuất hiện tình trạng nhiều xe quá tải lưu thông.

Duy trì công tác KSTTX trên hệ thống đường bộ tại các Trạm KTTTX lưu động, cố định, các Tổ KSTTX lưu động, các vị trí có lắp đặt thiết bị cân KTTTX của đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ thuộc các dự án BOT, đường cao tốc; tiến hành kiểm tra, rà soát, hướng dẫn việc lắp đặt, kiểm định, sử dụng, độ chính xác, tính kết nối đối với hệ thống thiết bị cân KTTTX đặt tại các trạm thu phí BOT và đặt độc lập trên đường bộ, để phục vụ việc kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm quá tải trọng.

Kiện toàn, tổ chức lại hoạt động của Trạm KTTTX lưu động phù hợp với điều kiện về lực lượng và tình hình xe quá tải trên địa bàn của địa phương; các lực lượng chức năng, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp KSTTX theo Quy chế phối hợp…

Châu Như Quỳnh