Hà Tĩnh:

Những con đường bị “lãng quên”

(Dân trí) - Mặt đường bong tróc, chi chít những ổ gà, ổ voi. Hầu hết lớp nhựa đã bị thổi bay chỉ còn trơ trụi lại lớp sỏi đá lởm chởm. Đó là thực tế đáng buồn tại nhiều con đường ở TP Hà Tĩnh. Nhiều người buồn bã nói “những con đường này đã bị lãng quên”.

Càng sửa càng xuống cấp

Đường Hoàng Xuân Hãn (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) dài hơn 300m là con đường đi vào Trường Trung cấp Chính trị Trần Phú, Trường Cao đẳng VH-NT Nguyễn Du, Nghĩa trang liệt sỹ Núi Nài thế nhưng nhiều năm nay, con đường này đã bị xuống cấp trầm trọng.

Mặt đường trơ trụi chỉ còn lại lớp đá lởm chỡm
Mặt đường trơ trụi chỉ còn lại lớp đá lởm chỡm
Mặt đường trơ trụi chỉ còn lại lớp đá lởm chỡm

Mặt đường bong tróc, chi chít những ổ gà, ổ voi. Hầu hết lớp nhựa đã bị thổi bay chỉ còn trơ trụi lại lớp sỏi đá lởm chởm. Các phương tiện giao thông khi đi ngang qua đây phải đi thật chậm, luồn lách để tránh những “chướng ngại vật này”.

“Ở thành phố mà còn khổ hơn cả ở nông thôn. Mùa nắng thì bụi, mưa xuống thì bị ngập, nhiều người đi xe máy đã bị ngã do sụp vào các ổ gà, ở voi”, một người dân sống gần con đường này cho biết.

Càng sửa, con đường càng hư hỏng, xuống cấp như thế này

Càng sửa, con đường càng hư hỏng, xuống cấp như thế này
Càng sửa, con đường càng hư hỏng, xuống cấp như thế này

Một giáo viên đang công tác tại Trường Cao đẳng VH-NT Nguyễn Du phàn nàn: “Đây là con đường đi vào nhiều địa chỉ quan trọng, phương tiện tham gia giao thông chỉ là xe máy và ô tô tải trọng nhẹ nhưng mặt đường bị xuống cấp hết sức nhanh chóng”.

Theo những người dân nơi đây cho biết thì nguyên nhân dẫn tới việc con đường bị xuống cấp nhanh chóng là do quá trình tu sửa không đảm bảo “Năm nào cũng có đơn vị về sửa đường nhưng được một vài tháng thì đâu lại vào đó. Mặt đường bị bong tróc hết chỉ còn trơ trụi lại phần sỏi đá, ổ voi, ổ gà thì ngày càng to ra”.

“Quên trả lại mặt bằng”!

Cùng chung thực trạng là con đường Lê Bá Cảnh dài chừng 2,4km cũng thuộc phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh). Từ hơn 3 năm nay, hàng trăm người dân nơi đây đã ngán ngẩm với cảnh nắng bụi, mưa ngập đường.

Con đường Lê Bá Cảnh
Con đường Lê Bá Cảnh

Người dân nơi đây cho biết, vào năm 2011, khi UBND TP Hà Tĩnh triển khai Dự án đê tả sông Cầu Phủ để tạo thuận lợi cho đơn vị thi công, chủ đầu tư đã cho đơn vị này mượn con đường Lê Bá Cảnh để làm đường công vụ. Nhưng do mật độ xe cộ quá dày, trọng tải lớn nên người dân nơi đây nhiều lần chặn lại và cương quyết không cho xe qua vì sợ làm hỏng đường. Trước sự việc trên, lãnh đạo TP Hà Tĩnh đã xuống và cam kết với những hộ dân nơi đây là sau khi công trình đê hoàn thành, các đơn vị sẽ trả lại nguyên trạng con đường như lúc đầu.

Dự án làm xong, đơn vị thi công chỉ đổ một lớp xô bồ (đá sỏi) rồi bỏ đi. Để rồi người dân nơi đây phải hứng chịu nỗi thất vọng ê chề. Chỉ vài tháng, sau một cơn mưa, toàn bộ lớp xô bồ đã bị cuốn trôi để lộ lên một con đường gồ ghề, lở loét với vô số ổ voi, ổ gà.

Ông Nguyễn Văn Sơn, ở tổ dân phố 3, phường Đại Nài bức xúc: “Trước đó con đường này được trải bằng nhựa, dù đã làm hơn 4 năm nhưng mặt đường còn rất tốt. Sau khi cho các đơn vị thi công chở vật liệu vào làm đê thì còn đường này bị cày xéo khiến mặt đường bị hư hỏng nặng nề”.

“Chúng tôi đã nhiều lần viết đơn, kiến nghị lên phường, thành phố yêu cầu trả lại con đường như nguyên trạng ban đầu nhưng đều không thấu. Lâu lâu họ đổ cho một lớp xô bồ nhưng chỉ sau một cơn mưa thì đường lại hư trở lại. Làm như vậy vừa lãng phí lại khiến chúng tôi bức xúc, mất niềm tin”, ông Sơn phản ánh thêm.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Xuân Hương, Chủ tịch UBND phường Đại Nài cho biết: “Đường Hoàng Xuân Hãn bị xuống cấp khá lâu rồi, từ năm 2004 đến nay. Hằng năm đều có ngân sách dành cho việc tu bổ nhưng chỉ là vá lại các ổ gà, ổ voi và đặc biệt do cơ địa đường không đảm bảo nên nhanh bị xuống cấp”.

Và ông Hương cũng cho biết, hiện con đường này đang nằm trong dự án ADB dự kiến sẽ triển khai vào cuối năm 2015.

Còn tại con đường Lê Bá Cảnh thì vị chủ tịch này tỏ ra bức xúc, khi các đơn vị thi công, cũng như phía chủ đầ tư (UBND TP Hà Tĩnh) đã không thực hiện đúng như lời cam kết ban đầu. “Khi thực hiện Dự án đê tả sông Cầu Phủ thì họ mượn đường làm công vụ. Tuy nhiên khi làm xong phần đề thì lại thì không có tiền để trả mặt bằng để rồi giờ đây người dân phải gánh chịu hậu quả. Tại các kỳ họp hội đồng, tiếp xúc cử tri chúng tôi đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với TP nhưng đến giờ vẫn không có kết quả”, ông Hương cho biết.

Xuân Sinh