Năm 2020, có khoảng 3.715 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh

(Dân trí) - Đó là một trong những nội dung quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020.

Sáng 3/6, tại Đà Nẵng, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị ý kiến về Dự thảo quy hoạch chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng xe ô tô. 

Mạng lưới vận tải hành khách tuyến cố định hiện nay đã phủ khắp các địa bàn trên phạm vi cả nước, đi đến tất cả các trung tâm tỉnh, thành phố, gần như tất cả các huyện thị.

Theo số liệu được kê khai từ 63 tỉnh/thành gửi về, có khoảng 6.378 tuyến vận tải hành khách cố định. Sau khi tổng hợp, tính gộp 2 chiều còn 3.497 tuyến. Cự ly tuyến bình quân là 245 km, trong đó phần lớn các tuyến có cự ly dưới 300 km (60%). Các tuyến tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn còn chưa chặt chẽ, công tác xử lý chưa nghiêm minh nên đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần được tháo gỡ, giải quyết dứt điểm.

Cụ thể, công tác cấp phép, quản lý phân tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh ở một số Sở Giao thông vận tải còn bất cập, hạn chế dẫn đến hiện tượng trùng tuyến, cạnh tranh không lành mạnh.

Việc thống kê, quản lý dữ liệu các tuyến còn chưa có sự thống nhất về tên bến, mã số bến xe…Công tác quản lý tuyến còn lạc hậu.

Hiện nay, có khoảng 563 bến khách hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh trong đó có 475 bến xe đã được công bố, còn 88 bến chưa công bố (67 bến tạm, 21 bến chưa được công bố lại).


Năm 2020, cả nước có khoảng 3.715 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh
Năm 2020, cả nước có khoảng 3.715 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh

Công tác lập, quản lý thực hiện quy hoạc bến xe tại một số địa phương còn bất cập, dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo”, nơi thừa nơi thiếu, phản ánh không đúng nhu cầu đi lại của người dân.

Một số Sở chưa có quy hoạch bến, gây khó khăn cho các Sở khác đề nghị quy hoạch tuyến. Trên một số tuyến còn xảy ra tình trạng cung vượt cầu.

Trước những bất cập và khó khăn trên, việc lập, phê duyệt và triển khai đề án “Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2020” là cần thiết.  

Nội dung quy hoạch tuyến gồm tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh quy hoạch phải đáp ứng các tiêu chí trong quy hoạch định hướng. Các tuyến được 2 Sở Giao thông hai đầu tuyến cùng đề nghị. Đảm bảo không vượt quá công suất phục vụ của các bến xe khách. Quy hoạch các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc năm 2020 gồm 3.715 tuyến, tăng 6,2% số tuyến so với hiện nay.

Tại hội nghị, hầu như các đại biểu đều đồng tình với các nội dụng quy hoạch. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng đã đưa ra một số ý kiến.

Theo ông Phan Xuân Viên - Giám đốc bến xe Đức Long Đà Nẵng cho rằng, nếu địa phương đã có quy hoạch các bến xe thì bến xe phía Bắc khai thác các tuyến đi phía Bắc, bến xe phía Nam khai thác các tuyến đi phía Nam chứ không thể để bến xe phía Bắc vừa khai thác các tuyến phía Nam vừa khai thác các tuyến phía Bắc. Làm như vậy là không khuyến khích được các nhà đầu tư.

Cùng ý kiến với ông Phan Xuân Viên, ông Võ Văn Tươi – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TT – Huế cũng cho biết, địa phương đã quy hoạc bến xe thì cũng nên quan tâm đến phân luồng tuyến để bến xe hoạt động được hiệu quả.

Còn ông Hoàng Phú Hiền – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nghệ An, việc phải có 2 Sở Giao thông đề nghị hai đầu tuyến cùng đề nghị là chưa phù hợp. Bởi theo kế hoạch, năm 2016, Nghệ An sẽ đưa vào hoạt động 2 bến xe mới. Tuy nhiên, chỉ có Sở giao thông vận tải Nghệ An biết sang năm 2016 sẽ đưa 2 bến xe này vào hoạt động còn các Sở khác họ chưa biết nên không thể đề nghị được.

Khánh Hồng