Làm thế nào để kéo giảm TNGT liên quan đến rượu bia?

(Dân trí) - Đó là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại lớp tập huấn cho các nhà báo, phóng viên phụ trách đưa tin về an toàn giao thông. Các chuyên gia cho rằng, nhà báo cần tập trung tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân không sử dụng rượu, bia khi lái xe.

Ngày 12/11, tại Bắc Ninh, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Nhà báo Bắc Ninh tổ chức lớp tập huấn Kỹ năng đưa tin về an toàn giao thông cho phóng viên phụ trách đưa tin an toàn giao thông.

4-1447377804921

Quang cảnh lớp tập huấn

 

Tham dự lớp tập huấn, có nhiều phóng viên đến từ các tờ báo, tạp chí ở Trung ương và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Những thông tin về an toàn giao thông nói chung được đưa ra tại buổi thảo luận như yếu tố rủi ro khi tham gia giao thông, phòng, chống lái xe khi sử dụng rượu bia, mũ bảo hiểm và chất lượng mũ bảo hiểm…

3-1447377798631

Đại tá, PGS.TS Phạm Đình Xinh phát biểu...

 

Tại lớp tập huấn, Đại tá, PGS.TS Phạm Đình Xinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ATGT (Học viện Cảnh sát nhân dân) đã cung cấp số liệu cho các phóng viên về an toàn giao thông ở Việt Nam: trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 10.000 người tử vong vì tai nạn giao thông, làm thiệt hại khoảng 2 tỷ đô la; các nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông gồm: sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, vượt quá tốc độ cho phép, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm còn thấp…

Cùng với những kiến thức chung về an toàn giao thông, phóng viên còn được PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo - chia sẻ kinh nghiệm khi đưa tin về ATGT. Theo đó, mỗi nhà báo, phóng viên khi đưa tin về TNGT không chỉ đưa 1 cách thông thường đơn giản, mà làm sao cần phải đi sâu vào nguyên nhân để từ đó thay đổi nhận thức của người dân, hành vi cho lái xe chấp hành nghiêm luật lệ giao thông.

Ông Nguyễn Phương Nam, đại diện cho tổ chức WHO tại Việt Nam đã bày tỏ quan điểm: “Tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia ở nước ta vẫn còn nhiều, nguyên nhân là do thói quen sử dụng rượu bia 1 cách tràn lan, khó kiểm soát. Do đó, mỗi nhà báo, phóng viên cũng nên phải trăn trở vấn đề này, đồng thời thông qua các tác phẩm của mình nêu quan điểm cá nhân, hoặc hỏi các chuyên gia để hiến kế khắc phục vấn nạn nêu trên cho các nhà hoạch định chính sách, vì họ cũng rất cần những ý kiến góp ý từ báo chí”.

Kết thúc buổi tập huấn, các chuyên gia đã cùng với phóng viên phân tích một số tác phẩm cụ thể đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, rút kinh nghiệm về chủ đề, cách đặt tít, góc độ tiếp cận, hình thức thể hiện, hình ảnh đăng kèm… Từ đó, rút ra kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng đưa tin, viết bài về chủ đề an toàn giao thông.

Nguyễn Dương