Hầm đường bộ Đèo Cả: Dự án “made in Việt Nam” hiện đại nhất
(Dân trí) - “Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả do nhà đầu tư trong nước, nhà thầu trong nước, với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia trong nước và nước ngoài tổ chức thực hiện và đặc biệt nguồn vốn đầu tư dự án sử dụng hoàn toàn bằng nguồn vốn trong nước, góp phần tích cực giúp giảm nợ công”.
Ông Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư , Ủy viên Bộ Chính trị - cho biết như vậy khi đến thăm hầm đường bộ Đèo Cả (tỉnh Phú Yên) và động viên toàn thể cán bộ công nhân viên đang thực hiện công tác Quản lý vận hành tại đây, chiều 4/7.
Sau khi đi thăm toàn bộ hầm Đèo Cả, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Đoàn công tác đã vào thăm Trung tâm quản lý vận hành hầm Đèo Cả. Tại đây, ông Trần Quốc Vượng đã lắng nghe báo cáo của Chủ đầu tư về quá trình thực hiện dự án hầm Đèo Cả, về quy mô của Dự án.
Theo ông Trần Quốc Vượng, Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, vinh dự là một trong 3 dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải hoàn thành năm 2017.
“Khác với dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, đều sử dụng vốn nước ngoài (vốn ODA), Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả do nhà đầu tư trong nước, nhà thầu trong nước, với sự tham gia tư vấn của các chuyên gia trong nước và nước ngoài tổ chức thực hiện và đặc biệt nguồn vốn đầu tư dự án sử dụng hoàn toàn bằng nguồn vốn trong nước, góp phần tích cực giúp giảm nợ công.” – ông Vượng nhấn mạnh.
Ấn tượng với sự hiện đại của công trình Hầm Đèo Cả cũng như Trung tâm quản lý vận hành và cứu hộ cứu nạn (TMC) hầm Đèo Cả, ông Trần Quốc Vượng biểu dương những nỗ lực của CBCNV công ty Đèo Cả (Chủ đầu tư), các đơn vị thi công, Ngân hàng tài trợ vốn và Chính quyền địa phương trong việc hoàn thành và đưa dự án vào khai thác trước tiến độ 04 tháng góp phần tích cực giảm tai nạn giao thông qua đèo Cả, đặc biệt góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Địa phương, Khu vực và Đất nước.
Dự án hầm đường bộ Đèo Cả bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và Mở rộng hầm Hải Vân. Quy mô đầu tư vốn hơn 26 ngàn tỷ đồng. Hạng mục hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã và đường dẫn với tổng chiều dài toàn dự án là 13,19km.
Dự án có điểm đầu tại Km1353+150 QL1 (tỉnh Phú Yên) và điểm cuối tại Km1374+525 QL1 (tỉnh Khánh Hòa). Toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h. Hầm Đèo Cả dài 4.125m, gồm 2 ống hầm song song cách nhau 30m, mỗi ống hầm rộng 9,75m gồm 2 làn xe 3,5m cùng với dải an toàn và hành lang bảo dưỡng dầm.
Dự án hầm Đèo Cả được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT và BT với tổng mức đầu tư ban đầu là 15.603 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, Chủ đầu tư đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với sự ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, tổng mức đầu tư của dự án giảm từ 15.603 tỷ đồng xuống còn 11.378 tỷ đồng (giảm 4.225 tỷ đồng).
Nhật Minh