Đà Nẵng thí điểm mô hình “Nhà hàng an toàn giao thông”

(Dân trí) - Sáng 14/7, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp thực hiện mô hình thí điểm “Nhà hàng an toàn giao thông – Lái xe văn minh, trách nhiệm” giai đoạn 2015-2018.

Theo đó, giai đoạn 1 của chương trình được thực hiện từ tháng 7/2015 đến tháng 7/2016 với sự tham gia, phối hợp của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng, Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam, Hãng taxi Tiên Sa và các nhà hàng kinh doanh đồ uống có cồn tại TP Đà Nẵng. Giai đoạn tiếp theo sẽ được tiếp tục triển khai tại Hà Nội và TPHCM.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn 

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát biểu tại buổi lễ

Chương trình được xây dựng với mục tiêu nâng cao nhận thức của người điều khiển phương tiện giao thông về tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn và giúp hình thành thói quen “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”.

Tính độc đáo của chương trình là có sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng, điểm kinh doanh đồ uống có cồn, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong công tác phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện xe cơ giới khi tham gia giao thông.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn 

Lễ ký kết chương trình phối hợp thực hiện mô hình thí điểm “Nhà hàng an toàn giao thông – Lái xe văn minh, trách nhiệm” tại Đà Nẵng

Các nhà hàng tham gia chương trình cam kết sẽ có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng không nên điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia, cung cấp dịch vụ trông giữ xe qua đêm và bảo đảm tài sản cá nhân cho khách hàng, đồng thời hỗ trợ gọi dịch vụ taxi miễn phí thông qua ứng dụng GrabTaxi để đưa khách hàng về nhà an toàn.

Phát biểu tại buổi lễ, tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định: “Sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng cùng với sự quan tâm, hỗ trợ từ các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm thực hiện thành công các giải pháp của Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.

Cũng theo ông Hùng, trong những năm qua, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm xuống trên cả ba và mong muốn mô hình này sẽ thành công ở Đà Nẵng, sau đó nhân rộng ra các tỉnh thành khác.

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố Đà Nẵng cho hay: “Mô hình Nhà hàng an toàn giao thông - Lái xe văn minh, trách nhiệm là một hợp phần quan trọng trong chương trình xây dựng mô hình thí điểm tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trên cả nước sẽ triển khai ở ở tất cả các quận/huyện và xã/phường trên địa bàn thành phố. Điều này thể hiện quyết tâm của chính quyền và nhân dân thành phố xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố văn hóa- văn minh đô thị”.

Khánh Hồng

(khanhhong@dantri.com.vn)