Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:
Yếu tố con người sẽ quyết định đến việc đổi mới giáo dục
(Dân trí) - Nhân dịp năm mới Quý Tỵ, báo <i>Dân trí</i> có cuộc trao đổi với Giáo sư Tiến sỹ Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về công việc đã triển khai trong năm 2012 và dự kiến những bước đi trong năm 2013 của ngành.
Trước hết xin cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian để cùng trao đổi với báo Dân trí xung quanh một số vấn đề giáo dục mà xã hội đang đặc biệt quan tâm. Thưa Bộ trưởng, vào những ngày cuối năm 2012, Bộ GD-ĐT đã có những động thái rất quyết liệt để chấn chỉnh công tác đào tạo. Qua đó, cũng có ý kiến cho rằng Bộ trưởng đã có những thay đổi trong công tác quản lý so với thời gian đầu?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Tôi đồng ý với nhận xét cho rằng những quyết định của Bộ thời gian gần đây mạnh mẽ hơn. Đó là kết quả của việc học tập, quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, là kết tinh trí tuệ của tập thể chuyên gia và cán bộ quản lý trong ngành và tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân. Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm rất sâu sắc và nghiêm túc về trách nhiệm của tập thể và cá nhân Ban Cán sự Đảng Bộ cũng như trách nhiệm của các vụ, cục. Trên cơ sở thống nhất về tư tưởng, với sự quyết tâm cao, chúng tôi phải hành động. Cần nói thêm là những quyết định mới ban hành trong mấy tháng qua cũng nằm trong chương trình hành động thực hiện Kết luận Hội nghị TW 6 của Đảng về giáo dục đào tạo.
Mặc dù ngành giáo dục vẫn còn khuyết điểm nhưng năm 2012 chúng ta đã thấy có những sự thay đổi tích cực. Điều quan trọng là những chuyển biến này tạo một niềm tin nhất định đối với dư luận xã hội. Trong năm 2012, Bộ trưởng cảm thấy mình tâm đắc nhất điều gì?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Điều tôi tâm đắc nhất là những người làm giáo dục cảm nhận rất rõ rệt về sự quan tâm và ưu tiên đầu tư của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái mạnh, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, nhiều ngành, nhiều địa phương phải cắt giảm ngân sách. Nhưng ngành giáo dục vẫn được quan tâm ưu tiên và hầu như không bị cắt giảm. Càng trong khó khăn, càng ở vùng sâu vùng xa, sự quan tâm và ưu tiên cho giáo dục càng rõ rệt. Đây là một trong những nhân tố quyết định giữ vững được các thành quả nền giáo dục của chúng ta.
Điều tâm đắc thứ hai của tôi là thành tựu của giáo dục đỉnh cao. Như các bạn đã biết, năm nay chúng ta có 31 lượt học sinh dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế, thì tất cả đều đoạt giải. Điều đặc biệt là lần đầu tiên có em học ở trường THPT vùng cao giành được Huy chương vàng môn Vật lý. Tôi muốn nói mấy ý nằm phía sau kết quả này.
Trước hết, đó là kết quả cố gắng của thầy và trò các nhà trường. Đồng thời, thành công này cũng liên quan đến việc thay đổi chủ trương của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi đã thay đổi nội dung, hình thức, phương thức thi học sinh giỏi quốc gia theo chuẩn quốc tế, tách bạch công tác quản lý nhà nước với công tác chuyên môn, giao các hội khoa học (như Hội Toán học, Hội Vật lý…) và các nhà giáo giỏi có uy tín tổ chức việc ra đề thi, tuyển chọn và bồi dưỡng đội tuyển quốc gia.
Không chỉ thành công trong các kì thi Olympic quốc tế truyền thống, chúng ta còn đạt được kết quả cao ở một sân chơi mới là cuộc thi học sinh thế giới về nghiên cứu khoa học kỹ thuật (Intel ISEF). Sự kiện 3 học sinh THPT Việt Nam đạt giải Nhất tại cuộc thi này khẳng định sự chỉ đạo đúng hướng của Bộ trong việc thiết lập mối liên hệ giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học và công tác nghiên cứu khoa học.
Điểm tâm đắc thứ ba là sự thay đổi trong công tác quản lý, rõ nhất là đối với quản lý giáo dục đại học. Trong năm 2012, chúng tôi đã đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, cao đẳng nhằm phát huy tối đa năng lực, tính chủ động, sáng tạo của các nhà trường. Đồng thời, công tác thanh tra kiểm tra của Bộ và chính quyền địa phương đối với việc chấp hành pháp luật trong giáo dục đào tạo cũng mạnh mẽ, chặt chẽ va đồng bộ hơn, xử lý cũng nghiêm hơn.
Song hành với những thành công, chắc hẳn cũng có những điều mà Bộ trưởng cảm thấy trăn trở. Vậy những điều đó là gì?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Trăn trở của tôi thì nhiều. Hiện nay, trăn trở lớn nhất của tôi là những yếu kém, bất cập và tiêu cực của giáo dục vẫn còn. Những chuyển biến của ngành nhất là về chất lượng đã có nhưng chưa đồng đều và chưa mạnh mẽ. Lòng tự trọng, tự hào của một bộ phận thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa được phát huy.
Chúng ta đang bàn đến đổi mới giáo dục sau năm 2015. Tuy nhiên việc đổi mới được hay không thì yếu tố con người vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Trong những năm qua mặc dù đã có những chính sách tích cực của ngành nhưng dường như vấn đề lương của giáo viên vẫn chưa có lời giải?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Tôi đồng ý với quan điểm con người là yếu tố quyết định. Đối với giáo dục thì yếu tố này là đặc biệt quan trọng. Để nâng cao chất lượng nhà giáo cần thì cần phải làm nhiều việc, trong đó có cả công tác bồi dưỡng về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm, đảm bảo đời sống vật chất và những tôn vinh giá trị tinh thần đối với họ. Muốn làm được việc này, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Bộ GD-ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên và hiệu trưởng, tiếp tục duy trì những cuộc vận động nhằm kêu gọi các nhà giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo. Trong năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, chỉ đạo hai trường ĐH sư phạm trọng điểm rà soát chương trình đào tạo để sản phẩm của các trường sư phạm có thể đáp ứng được yêu cầu mới.
Về chế độ tiền lương cho nhà giáo, Bộ GD-ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam đã có đề xuất, kiến nghị về vấn đề tiền lương và thu nhập của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Vấn đề này sẽ được xem xét, xử lý trong tổng hòa các mối quan hệ và tương quan với các ngành nghề khác. Hy vọng tới đây việc cải cách chế độ tiền lương sẽ có những điều chỉnh mang tính lâu dài và căn bản .
Sau nhiều nỗ lực của Bộ GD-ĐT, Chính phủ đã đồng ý cho nhà giáo được tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng, việc cán bộ quản lý giáo dục không được hưởng phụ cấp này là bất cập. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Ngay sau khi chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo được ban hành, Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến của nhiều tập thể và cá nhân về việc cán bộ quản lý giáo dục không được hưởng phụ cấp thâm niên, trong khi phần lớn các đồng chí cán bộ quản lý giáo dục đều là giáo viên xuất sắc, có cống hiến lâu năm được bổ nhiệm và điều động lên.
Trên thực tế, vấn đề này đã được thảo luận, bàn bạc trong Chính phủ nhưng chưa giải quyết được vì vướng các quy định của luật công chức. Sau khi cân nhắc kỹ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho bảo lưu phụ cấp thâm niên trong 3 năm đối với các nhà giáo được điều động lên làm công tác quản lý ở sở, phòng giáo dục và đào tạo. Hy vọng rằng đề án cải cách tiền lương sắp tới sẽ khắc phục được bất cập này.
Hiện nay, còn một bất cập khác mà Bộ GD-ĐT đang nỗ lực làm việc với các bộ, ban ngành để giải quyết là vấn đề phụ cấp thu hút đối với giáo viên làm việc tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong 5 năm với tính toán rằng, sau 5 năm các thầy cô sẽ được luân chuyển về tuyến sau. Nhưng trên thực tế, rất nhiều giáo viên sau 5 năm không thể luân chuyển về vùng thuận lợi mà vẫn tiếp tục công tác ở vùng khó khăn, nhưng không được hưởng phụ cấp thu hút. Bộ GD-ĐT đề nghị tiếp tục có phụ cấp cho các nhà giáo này để tôn vinh họ, đồng thời khắc phục bất hợp lý khi nhà giáo có thâm niên làm việc lâu năm ở vùng sâu vùng xa lại có thu nhập thấp hơn nhà giáo vừa ra trường lên công tác ở cùng trường.
Xin cảm ơn Bộ trưởng. Chúc Bộ trưởng sang năm mới sức khỏe và tiếp tục thành công với vai trò là người lái con đò giáo dục cả nước.
Nguyễn Hùng (thực hiện)