Ý tưởng khởi nghiệp từ cú taxi 100 ngàn đồng/3km
(Dân trí) -“Cuối năm 2013, tại một thành phố biển, tôi đã phải trả tới 100 ngàn đồng cho một chuyến taxi với đoạn đường 3km! Giá quá đắt và gây bức xúc. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng về một loạt tiện ích hỗ trợ người đi taxi”-chia sẻ của chàng SV Ngoại thương về dự án eTaxi.
Nhỏ nhắn, điềm đạm nhưng khá nhiệt huyết là những điểm dễ nhớ về Nguyễn Chí Thắng - sinh năm 1992, khoa Kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương. Chàng trưởng nhóm dự án eTaxi
“bật mí” về ý tưởng dự thi “Khởi nghiệp cùng Kawai”: “Cuối năm 2013, tại một thành phố biển, tôi đã phải trả tới 100 ngàn đồng cho một chuyến taxi với đoạn đường 3km! Giá quá đắt và gây bức xúc. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng về một loạt tiện ích hỗ trợ người đi taxi”.
Thắng quyết định tập hợp nhóm bạn cùng trường để gây dựng một kế hoạch. Muốn có kế hoạch, nhóm phải khảo sát thị trường, khách hàng và lái xe. Qua khảo sát, nhóm bạn trẻ biết thêm nhiều thực tế “phũ phàng”: Gần 70% người được hỏi cho rằng thời gian chờ xe taxi quá lâu, không phân biệt được taxi giả và thật, tình trạng tranh giành khách, lái xe nâng giá tùy tiện, khách không biết phản ánh với ai về dịch vụ xe…
Mặt khác, giới lái xe cũng trăn trở: Thời gian chờ đợi khách quá nhiều trong 1 ngày, thiếu thông tin cập nhật về dịch vụ giải trí - ăn nghỉ cho du khách, xe thường trống trong các lượt đi về trong chuyến đưa khách đi sân bay…
“Khảo sát sơ bộ cho thấy, số tiền mua nhiên liệu để xe chạy không khách - chạy rỗng - tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên tới gần 3 tỉ đồng/ngày. Đây là con số lãng phí quá lớn cho xã hội” - Nguyễn Chí Thắng tâm sự.
Sau khoảng hơn 2 tháng xây dựng, dự án eTaxi đã ra đời. Phần mềm ứng dụng chạy trên hệ điều hành Android của nhiều dòng smartphone nhằm giải quyết giúp khách hàng: Biết được xe taxi nào ở gần mình nhất, tự tính giá cước cả chuyến đi, nắm được lộ trình của chuyến đi tránh bị tình trạng đi lòng vòng, dễ liên hệ với chủ xe để lấy lại đồ để quên, tìm được người đi chung trên một chuyến đi để giảm chi phí…
“Khách có thể biết thêm những nơi ăn, ngủ, nghỉ và vui chơi giải trí được cập nhật liên tục và hơn 10 tiện ích khác” - Thắng cho biết.
Có được nền tảng ý tưởng, nhưng càng lọt vào vòng trong nhóm gặp thêm nhiều phản biện của ban giám khảo: Nếu không giảm thiểu chi phí mua smartphone thì các hãng khó chịu nổi kinh phí? Việc thanh toán qua mạng sẽ ra sao? Nếu nhiều taxi đều ở gần khách và cùng đến một lúc thì sao? Có những khách chỉ cần xe nhanh chứ không quan tâm tới giá cả thì sao? Sự khác biệt với những dịch vụ tương tự trên thị trường…
Nhiều khó khăn tăng dần trong khi vào các vòng trong: Thời gian phân bổ giữa việc học và dự thi căng thẳng, sự thiếu am hiểu CNTT của 5 thành viên chuyên ngành Kinh tế, sự khác biệt trong suy nghĩ của thành viên và sự viển vông do thiếu thực tế trải nghiệm.
“Nhiều lúc chúng tôi nghĩ cũng nản. Cả nhóm thực sự chỉ sốc lại tinh thần khi lọt vào nhóm 10 đội dự thi cuối cùng.” - Thắng nhớ lại.
Cả nhóm cùng bàn, cùng tranh luận và tham khảo thực tế. Rồi những khó khăn cũng được dần gỡ rối. Nhóm còn nhận được sự giúp đỡ về CNTT của cố vấn Hồ Xuân Hùng - giám đốc công ty Seta CinQ VN.
Tới nay, Nguyễn Chí Thắng và các bạn đang quan tâm tới việc cụ thể hóa ứng dụng vào đời sống thực tế. Thắng dự đoán, kinh phí để xây dựng phần mềm ứng dụng khoảng 50 - 60 triệu đồng.
“Điều quan trọng là kinh phí cho công tác phát triển thị trường, quan hệ khách hàng… Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã dự tính bước đầu kinh phí cũng như sẽ có những nhà tài trợ ủng hộ trong thời gian tới”.