Xúc động lễ khai giảng muộn của 45 “vầng trăng khuyết” tỉnh Đắk Nông
(Dân trí) - Ngày 14/9, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và Hòa nhập tỉnh Đắk Nông khai giảng năm học mới 2020-2021.
Theo đó, năm học này, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và Hòa nhập tỉnh Đắk Nông sẽ có 6 lớp học, tăng 13 em so với năm học trước. 100% học sinh của trung tâm là trẻ khiếm thị, trẻ chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ (30 em chậm phát triển trí tuệ và tự kỷ, 15 bị câm, điếc).
Theo thầy Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục và Hòa nhập tỉnh Đắk Nông, các em học sinh ở đây đều là “những vầng trăng khuyết”, không may mắn như những đứa trẻ khác khi gặp khiếm khuyết về nhận thức.
Chính vì vậy, thầy cô, nhà trường, gia đình và xã hội cần dành một tình cảm đặc biệt, để các em có thể phát triển, sinh hoạt như những đứa trẻ bình thường.
Tại buổi lễ, dù vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của ngày khai giảng, nhưng tất cả các em đều chăm chú, theo dõi.
Năm học mới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp cùng gia đình, xã hội quan tâm giáo dục các em tiến bộ hơn về kiến thức, kỹ năng sống để các em có thêm niềm vui, sớm hòa nhập cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ khai giảng, thầy Trần Thanh Ảnh xúc động cho biết, trong năm học 2019-2020, 100% học sinh đều hoàn thành tốt chương trình giáo dục theo kế hoạch giáo dục cá nhân.
Chương trình giáo dục cá nhân do giáo viên chủ nhiệm xây dựng dựa trên thực tế tình trạng của từng em. Đến cuối năm học, Trung tâm đã có 4 em được đưa ra hòa nhập cộng đồng.
“Việc các em được hòa nhập, được sống và học tập như những đứa trẻ bình thường là món quà ý nghĩa nhất của các thầy cô trung tâm.
Năm học vừa qua và ngay cả trong năm học này, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết mình, hy vọng rằng các em có nhiều tiến bộ trong các kỹ năng, mạnh dạn giao tiếp và tự lập hơn trong cuộc sống”, thầy Ảnh phát biểu.
Được biết, trong năm học mới, ngoài công tác chuyên môn, Trung tâm sẽ đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và các hoạt động giao lưu hòa nhập cộng đồng.
Qua đó, hoạt động nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình và cộng đồng với công tác giáo dục trẻ khuyết tật, tăng cường nguồn lực cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật của trung tâm.