Xuân ở làng tiến sĩ

Dù Bắc, Nam xuôi ngược nhưng cứ đến ngày 8 tháng Giêng (Âm lịch) con cháu dòng họ Vũ - Võ khắp nơi lại tề tựu đông đủ về Mộ Trạch (xã Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương) để dự lễ hội làng, thắp nén nhang thơm lòng thành tri ân công đức tổ tiên, đồng thời cũng là để phát động phong trào hiếu học trong dòng họ.

Làng Mộ Trạch là nơi khởi thủy của dòng họ Vũ - Võ Việt Nam, nơi đây cũng nổi danh là vùng quê hiếu học, được người đời đặt cho cái tên “Làng tiến sĩ”.

Con đường dẫn vào Mộ Trạch giờ đã được bê tông hóa, khang trang, to đẹp và cũng được người dân đặt luôn cái tên là đường Làng tiến sĩ. Những lá cờ ngũ sắc dùng cho lễ hội được treo dọc con đường trải dài hơn 3 cây số, xe cộ nườm nượp ra vào của những người con xa quê về dự lễ hội khiến cho vùng quê thuần nông bình dị xôn xao.

Các cụ già tự hào kể lại câu chuyện trong số 82 tấm bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) còn lại đến ngày nay thì có đến 18 tấm bia ghi tên 25 vị tiến sĩ của làng Mộ Trạch. Còn Văn Miếu Mao Điển thì ghi đủ tên của 36 vị tiến sĩ xuất thân từ làng Mộ Trạch này.

Đầu xuân, con cháu “Làng tiến sĩ” về chiêm bái tổ tiên
Đầu xuân, con cháu “Làng tiến sĩ” về chiêm bái tổ tiên.
 
Trong thời phong kiến có 166 người họ Vũ đỗ tiến sĩ, trong đó làng Mộ Trạch cũng đóng góp đến 29 người. Chính vì thế mà Mộ Trạch được gọi là “tiến sĩ sào”. Không chỉ có thế, Mộ Trạch còn là nơi xuất thuân của 5 trạng gồm: Trạng chữ Lê Nại, Trạng cờ Vũ Huyến, Trạng cờ Vũ Phong và Trạng chạy Vũ Cương Trực.

Còn lớp trẻ thì tự hào về miền quê nghèo đã sinh ra nhiều tên tuổi như Giáo sư, Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, cụ Vũ Đình Hòe từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nhà giáo Vũ Đình Liên… và nhiều tiến sĩ khác hiện đang công tác ở nước ngoài và nhiều vùng miền của đất nước.

Để có được thành quả đó là do truyền thống hiếu học của mỗi người dân từ đời này qua đời khác. Truyền thống đó như đã ăn vào máu thịt.

Trong câu chuyện, ông Vũ Quốc Ái, Phó Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học của làng cởi mở chia sẻ rằng, trong 5 năm qua, quanh vùng hiếm có nơi nào phong trào học tập của các cháu học sinh có được kết quả như ở Mộ Trạch này. Cả làng chỉ có 800 hộ nhưng năm nào cũng có hàng chục cháu học sinh đỗ đại học, chưa kể đến các cháu đi học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp…

Năm 2014 vừa qua, làng có hơn 20 em đỗ đại học. Nổi bật nhất là năm 2011, cả xã Tân Hồng có 35 em đỗ đại học thì làng Mộ Trạch này chiếm tới 31 em. Ở làng Mộ Trạch, hầu như nhà nào cũng có con cái học đại học, có những gia đình 4, 5 con đều đi học đại học.

Vài chục năm trở lại đây, ngôi làng nhỏ bé này đã có tổng cộng hơn 400 người đỗ đại học, nhiều người đã tiếp tục học lên tiến sĩ hiện đang công tác trong nhiều lĩnh vực ở trong và ngoài nước.

Về phong trào khuyến học của làng, ông Vũ Quốc Ái cho biết, Chi hội Khuyến học làng Mộ Trạch được thành lập từ năm 2005. Các dòng họ trong làng đã tích cực vận động, tuyên truyền khuyến học và xây dựng Quỹ Khuyến học.

Nhiều năm qua đã đi vào hoạt động nền nếp, có nội dung và hình thức phong phú nhằm động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các em học sinh xuất sắc, vượt khó học giỏi. Các em học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, các học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng… đều có phần thưởng để các em tiếp tục phát huy.

Bên tấm bia ghi công đức của tiền nhân làng Mộ Trạch
Bên tấm bia ghi công đức của tiền nhân làng Mộ Trạch.
 
Mộ Trạch có 2.850 nhân khẩu, tính bình quân khoảng 10 người có một người đỗ đại học, cao đẳng. Phát huy truyền thống nhiều gia đình như: gia đình ông Vũ Huy San, từ ông bà, đến các con cháu đều tốt nghiệp nhiều trường đại học; ông Vũ Hồng Quang, thương binh hạng 1/4 có 4 con đỗ đại học, 1 con đỗ cao đẳng, trong đó chị Vũ Thị Đào vừa bảo vệ Luận án Tiến sĩ loại ưu tại Paris (Pháp).

Ở làng Mộ Trạch này, người đi trước động viên người đi sau hãy cố gắng học tập để thoát khỏi đói nghèo, làm rạng rỡ dòng họ và tổ tiên. Nổi bật như gia đình ông Vũ Đăng Giáp, vợ mất sớm, nhà nghèo phải đến xin ở nhờ nhà thờ họ. Thế nhưng một mình ông Giáp vẫn quyết tâm nuôi 4 con trai theo học đại học. Khi tất cả mọi khó khăn đã qua đi, các con ông đều tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định.

Nói đến phương pháp hoạt động giúp các cháu học tập tốt và có định hướng học hành, ông Ái cho biết thêm, những năm gần đây, trước mỗi kỳ thi đại học, Chi hội Khuyến học lại mời các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành, các giảng viên đại học là những người con quê hương tâm huyết về tổ chức tư vấn, phổ biến kinh nghiệm thi cử cho các em, các cháu.

Rồi vào mỗi dịp hè, những sinh viên của làng lại trở về dạy thêm miễn phí cho các em học sinh lớp dưới ở các cấp, các lứa tuổi. Đây là mô hình hoạt động rất có hiệu quả, được các em học sinh thích thú, các bậc phụ huynh khen ngợi.

Ông Vũ Huy Căn, Trưởng thôn, đồng thời cũng là Phó Ban tổ chức lễ hội Mộ Trạch cho biết, lễ hội ngày mồng 8 tháng Giêng (Âm lịch) là ngày tôn vinh khoa bảng của làng, phát động phong trào hiếu học và trao phần thưởng cho những học sinh, sinh viên xuất sắc.

"Thế hệ trẻ hôm nay của làng Mộ Trạch vẫn giữ được lời tổ tiên dạy, phát huy đức tính hiếu học. Ngày hội làng này, gia đình nào có con em đạt thành tích học tập xuất sắc được chọn rước văn bia các vị tiến sĩ từ Cổ Miếu về đình của làng. Chúng tôi tổ chức rất quy mô và đều đặn vào ngày mồng 8 tháng Giêng Âm lịch hằng năm, lễ hội tôn vinh khoa bảng của làng lại được tổ chức, từ hơn một thế kỷ qua”, ông Căn tâm sự.

Theo Phan Hoạt
CAND Online