Hà Tĩnh:
Xót xa trường học hơn 16 tỷ đồng chỉ làm nơi... phơi rơm, nuôi gà!
(Dân trí) - Không tính toán cẩn thận khi đầu tư, không có giải pháp "giải cứu" sau khi hoàn tất xây dựng, ngôi trường có nguồn vốn đầu tư 16,2 tỷ đồng với các hạng mục khá đồng bộ, là niềm mơ ước của nhiều xã miền sơn cước hiện được người dân sử dụng làm nơi phơi rơm, chăn nuôi gà.
Ngôi trường hoàn thành và bàn giao vào năm 2013. Không như mục tiêu đặt ra, sau khi hoàn thành, ngôi trường chưa một lần đón bất kỳ em học sinh nào tới học, trường cũng bỏ hoang từ đó tới nay. Nguyên nhân là do mục tiêu ban đầu phục vụ hơn 500 hộ dân tái định cư đã không xảy ra. Chủ trương cho di dân tự do mà tỉnh Hà Tĩnh triển khai sau khi dự án xây trường đã dẫn đến việc chỉ có 198 hộ dân về tái định cư ở khu vực này, dẫn đến số học sinh ở độ tuổi đến trường ít, không đủ yêu cầu để mở lớp dạy học.
Không học sinh, thầy cô bám lớp, trường nằm phơi sương gió, mưa nắng suốt nhiều năm nên cơ sở vật chất hiện xuống cấp một cách thê thảm.
Nền gạch tiếp tục vỡ vụn trên hầu hết các phòng học.
Nhiều chỗ nứt nẻ, đất cát bên ngoài tràn vào khiến người dân không còn nhận ra đây là nơi thiết kế cho con em theo học.
Nhà hiệu bộ cũng hư hỏng nặng nề với những tấm kính lớn bị vỡ nát, cửa sổ bị trét gỉ.
Tất cả chăn màn, gối chiếu phục vụ học sinh bị bỏ xó, ẩm mốc, gần như trở thành rác thải.
Cảnh hư hỏng, nhếch nhác ở nhà vệ sinh.
Ông Nguyễn Trường Thọ, Chủ tịch UBND xã Hương Quang xót xa nói rằng, công trình là một sự lãng phí, xã đã nhiều lần đề nghị huyện, tỉnh có giải pháp khắc phục, cứu công trình bỏ không. Tuy vậy, theo ông Thọ, đến nay tất cả vẫn chưa có giải pháp nào, mọi việc vẫn hết sức bế tắc.
Hiện tại "hiệu quả" mà ngôi trường được đầu tư tới 16,2 tỷ đồng này mang lại cho địa phương là nó trở thành... sân phơi lúa, rơm rạ của người dân.
Một số hộ dân tận dụng cơ sở vật chất bỏ không để chăn nuôi gà
Theo lãnh đạo xã Hương Quang, cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng cho ngôi trường này, còn để đón thầy cô, học sinh đến đứng lớp, học tập là không thể.
Văn Dũng