Đắk Nông:

Xót xa cảnh hàng chục đứa trẻ chia nhau từng mét vuông để trọ học

(Dân trí) - Những bức tường nhà trọ bám đầy bùn, đất và nhọ nồi; dăm ba chiếc giường bằng thân lồ ô đập dập được đặt khin khít với nhau trong căn nhà chỉ vỏn vẹn khoảng 30m2. Hàng chục học sinh xã vùng cao Quảng Hòa hàng ngày vẫn chia nhau từng mét vuông để trọ học. Với chúng, ước mơ về một căn nhà kiên cố, đủ điện, đủ nước quá xa vời khi còn phải lo ăn từng bữa…

Xót xa cảnh hàng chục đứa trẻ chia nhau từng mét vuông để trọ học

 

5 tuổi đi dựng lán trọ học

Triệu Thị Phương (học sinh lớp 9, trú xã Quảng Phú, huyện Krông Nô) dù mới 15 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm trọ học xa nhà. Đối với nữ sinh người Dao này, cuộc sống hiện tại không còn quá khó khăn, bỡ ngỡ như những ngày đầu em được bố mẹ đưa đến đây ở trọ. Bởi so với 10 năm trước, em đã biết tự nấu nướng, tắm giặt và chăm sóc bản thân.

Hình 5.JPG

Căn nhà gỗ được dựng tạm để Phương cùng 7 đứa trẻ khác trọ học

Nhà Phương ở thác 7, thôn Phú Vinh, xã Quảng Phú, cách trường gần 15km. Ngay từ ngày học mẫu giáo lớn, em đã được bố mẹ cho đi ở trọ cùng những đứa trẻ khác trong vùng. Trong căn nhà gỗ chỉ rộng chừng 15m2, Phương cùng 7 đứa trẻ khác (cả nam và nữ) chung sống như một gia đình. Mọi việc nấu nướng, tắm giặt, học và ngủ đều “gói gọn” trong căn nhà gỗ dựng tạm này.

Cũng giống như Phương, hầu hết những đứa trẻ trong nhà trọ này đều được bố mẹ cho lên đây ở khi bắt đầu học tiểu học, có đứa khi bắt đầu đi học mẫu giáo đã được cho lên đây ở cùng anh chị. Phương là “chị cả” trong nhà, sẽ nấu ăn cho các em, riêng việc tắm giặt thì đứa nào cũng phải tự làm. Những năm trước thì mỗi đứa một bếp riêng, nhưng do không gian chật chội quá, nhiều em còn nhỏ, ham chơi nên bây giờ nấu chung cơm, còn rau thì từng đứa nấu.

Hình 1.JPG

Mọi việc nấu nướng, tắm giặt, học và ngủ đều “gói gọn” trong căn nhà này

Trời nhập nhoạng tối, Phương xếp gọn sách vở đầu giường rồi đi tắm rửa. Nhà tắm nằm cách chỗ ngủ của những đứa trẻ chỉ có vài bước chân, được quây tạm bằm hai tấm chăn cũ và lấy ánh sáng từ những khoảng hở của vách nhà. Trong nhà chỉ có 1 thùng nước duy nhất, để nấu nướng và tắm giặt nên cứ hết là lại mang can, mang chậu sang nhà dân xin. Cái lạnh của mùa khô Tây Nguyên khiến môi đứa nào cũng thâm tím, người run cầm cập mỗi khi bước chân ra khỏi nhà tắm.

Hình 3.JPG

Nhà tắm tạm bợ, được quây bằng chiếc chăn cũ và lấy ánh sáng tự nhiên

“Căn nhà này là dựng trên đất của người khác, cả nhà chỉ có 1 bóng điện duy nhất nên tranh thủ học ban ngày, còn ban đêm không đủ ánh sáng. Thiếu thốn lắm, tối ngủ còn không đủ chỗ, nhưng chúng cháu thương bố mẹ, muốn thoát nghèo nên phải cố gắng thôi”, Triệu Thị Lìu, em họ của Phương chia sẻ.

Hình 4.JPG

8 đứa trẻ chung sống trong căn nhà 15m2 chỉ với một bóng đèn

Cách căn nhà Phương ở không xa, 13 đứa trẻ khác cũng tá túc nhờ trong một căn nhà tái định cư của xã Quảng Hòa. Khoảng 10 năm trước, những căn nhà được dựng lên cho những hộ gia đình có đất nằm trong dự án thủy điện. Thế nhưng vì chật hẹp, không có nước sạch nên nhiều hộ gia đình không nhận, đành để không.

Sồng Thị Da (học sinh lớp 7, trú thác 4, xã Quảng Phú) được bố mẹ đưa lên đây ở được 7 năm. Đầu năm học này, Da có thêm nhiệm vụ chăm sóc cho cô em họ là Giàng Thị A, năm nay học lớp mẫu giáo. Cứ đầu tuần bố mẹ đưa cho hai chị em một túm gạo và rau mang lên trường, cuối tuần mới đi xe máy đến đón về. 

Hình 8.JPG

Sồng Thị Da và cô em gái họ Giàng Thị A

“Có tuần thì có rau với mì tôm, với một ít thịt, nhưng ăn một ngày là hết. Ở đây quen rồi, nên không sợ nữa mà chỉ nhớ nhà thôi”, nữ sinh người Mông thật thà nói.

“Bỏ thì thương, vương thì tội”

Thấy thầy cô giáo đến thăm, một vài đứa trẻ trong căn nhà trọ chạy ra vườn lẩn trốn, số còn lại thì nấp vào phòng. Căn phòng chật chội, ngột ngạt và đầy mùi ẩm mốc, chằng chịt dây dợ và mạng nhện là nơi ở của gần 20 học sinh đang theo học từ mầm non đến THCS tại xã Quảng Hòa. Do không gian trong nhà dành hết để làm chỗ ngủ và chỗ học tập, nên các em phải cải tạo nhà vệ sinh thành nơi nấu ăn, còn tắm rửa thì ra sông, ra suối.

Hình 9.JPG

Căn phòng khoảng hơn 10m2 dành cho 5 đứa trẻ sinh hoạt

Hỏi ra mới biết, gần 130 học sinh đang trọ học ở đây chỉ có một vài em là người địa phương, phần lớn là người xã Quảng Phú (huyện Krông Nô). Tuy nhiên, do nơi ở của các em cách trường học quá xa, nên phải sang xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’Long) để học nhờ. Xung quanh trường Tiểu học Bế Văn Đàn và THCS Quảng Hòa, có khoảng 6-7 căn nhà để cho các em ở trọ, mỗi căn trung bình có khoảng 10 em cùng sinh sống, căn ít nhất thì có 5 em.

Theo Sồng Thị Banh (học sinh lớp 8, trú thác 4, xã Quảng Phú), 8 năm lên đây ở trọ, các em vẫn phải đi múc nước về sử dụng chứ trong nhà không có nước. Hàng ngày, mỗi đứa đi xách hai can nước, vừa để nấu nước, vừa để tắm giặt. Cuộc sống xa gia đình, nên không đứa nào muốn ở lại cả, nhưng nhà không có xe nên không về được.

Hình 6.JPG

Hàng ngày, sau giờ học học sinh lại thay nhau đi lấy nước về dùng

“Các em có ý định nghỉ học không ?”, Banh thật thà trả lời: “Không, không muốn nghỉ học, chỉ muốn có chỗ khác để ở thôi, nhưng không có tiền. Mỗi tuần bố mẹ cho 150 ngàn, bốn chị em phải chia ra để mua thức ăn từng bữa, không có tiền để thuê nhà trọ ở đâu”.

Ông Nguyễn Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết, địa phương cũng rất “trăn trở” vì các em học sinh này. Theo quy định, những học sinh đi học xa nhà sẽ được hỗ trợ gạo hàng tháng, tuy nhiên các em này lại không phải người địa phương nên hoàn toàn không được hỗ trợ gì.

Hình 7.JPG

Do không phải là người địa phương nên các em không có chế độ trợ cấp hàng tháng

“Phần lớn các em phải lên đây trọ học đều có hoàn cảnh khó khăn, không thể đi về trong ngày nên địa phương chỉ hỗ trợ được cho các em mượn một số căn nhà. Tuy nhiên số lượng học sinh nhiều, mà cơ sở vật chất hạn chế nên vẫn còn nhiều em phải thuê đất của người dân để dựng nhà ở. Xã Quảng Hòa cũng là một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Đắk Nông, số lượng học sinh nghèo của xã cần được giúp đỡ cũng rất lớn, nên không thể “gánh” thêm các em của xã Quảng Phú. Thế nhưng trả các em về địa phương thì đi học xa xôi, giữ các em ở lại thì khó quản lý nên chúng tôi cũng rất đau đầu”, ông Thủy phân trần.

IMG_5163.JPG

Căn nhà tái định cư mà xã Quảng Hòa cho 13 học sinh mượn ở nhờ

Trong khi đó, theo một lãnh đạo trường học tại xã Quảng Hòa, việc học sinh cả nam và nữ phải sống chung trong một căn nhà khiến nhà trường cũng rất lo lắng. “Phần lớn các em đều là anh em họ, cứ cháu này lên thì lại kéo theo cháu khác nên số lượng ngày càng tăng. Người đồng bào dân tộc thiểu số lại có hủ tục hôn nhân cận huyết nên các em sống chung với nhau trong một căn nhà khiến chúng tôi không khỏi lo lắng. Do điều kiện kinh tế không có, bố mẹ lại đồng ý cho ở chung nên nhà trường chỉ còn cách tuyên tuyền cho các em tránh xa hủ tục này”.

“Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong mỏi có thể xây cho các cháu căn nhà bán trú, tách riêng nam nữ, nếu không phải buộc phải trả các cháu về địa phương. Mà nếu bị trả về thì các cháu có nguy cơ phải nghỉ học vì nhà quá xa”, vị lãnh đạo trường học trăn trở. 

Dương Phong