Nghệ An:

Xót thương hàng trăm học sinh mồ côi sống "lay lắt" ở miền Tây xứ Nghệ

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Không cha mẹ, sau những giờ học, các em lại lên rừng xuống khe suối để mưu sinh… Không thể mường tượng hết những xúc cảm, khát khao trong trái tim non nớt của những đứa trẻ mồ côi nơi miền biên viễn.

Xót thương hàng trăm học sinh mồ côi sống lay lắt ở miền Tây xứ Nghệ - 1

Nhiều học sinh trường Tiểu học Lượng Minh (huyện Tương Dương, Nghệ An) có hoàn cảnh kém may mắn.

Những đứa trẻ sớm chịu cảnh mồ côi

Trong số những huyện miền núi phía Tây Nghệ An, Tương Dương được biết đến là vùng đất mang nhiều vấn nạn của ma túy, vàng tặc, lâm tặc, buôn bán người… Những vấn nạn ấy đã khiến bao gia đình tan nát, bản làng tiêu điều; để rồi những đứa trẻ nơi ấy sớm chịu cảnh mồ côi không nơi nương tựa.

Mùa đông về, trời miền Tây Nghệ An giá lạnh, những hạt mưa phùn càng tô thêm khung cảnh trời đông giá rét, trời sơn cước buồn, sương mù bao phủ càng nhân lên phần ảm đạm. Vượt quãng đường gần 15km từ thị trấn Hòa Bình, chênh vênh một bên núi cao một bên dòng Nậm Nơn, chúng tôi mới đặt chân đến trung tâm xã Lượng Minh.

Đón chúng tôi ngay từ đầu bản Xốp Mạt, thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lượng Minh đã không giấu được nỗi niềm: "Tội lắm chú ơi! mỗi em một số phận, một hoàn cảnh éo le…".

Xót thương hàng trăm học sinh mồ côi sống lay lắt ở miền Tây xứ Nghệ - 2

 Học sinh nơi đây luôn nhận được sự quan tâm, dạy dỗ ân cần của thầy cô.

Thầy Thanh cởi mở câu chuyện bằng sự chân thật, bởi trước khi lên đây, tôi đã đánh tiếng với thầy về số phận những đứa trẻ kém may mắn ở trường. Rót ly nước mời khách, thầy Thanh cho biết: Toàn trường có 548 học sinh nhưng có đến 71 cháu mồ côi, chiếm gần 1/8 đấy. Thương nhất vẫn là những trường hợp mồ côi, không nơi nương tựa ở điểm trường Chăm Puông.

Hai chị em Ngân Thị Hợi và Ngân May Khăm rau cháo nuôi nhau đã nhiều năm. Hợi 13 tuổi, học lớp 6 trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS Lượng Minh còn Khăm học lớp 4E tại điểm Chăm Puông. Từ lâu hai em đã không có hơi ấm của cha, mẹ. Sau khi mẹ bỏ đi biệt xứ, cha các em cũng theo đi làm phu vàng tận Quảng Nam. Thiếu vắng người lớn, các em phải sống trong một vách nứa dột tứ tung.

Xót thương hàng trăm học sinh mồ côi sống lay lắt ở miền Tây xứ Nghệ - 3

Hai chị em Lương Thánh Nông - lớp lớp 3E và Lương Thị Tường - lớp 4E tự giặt quần áo của mình.

Khi được hỏi về cuộc sống thường ngày, em Hợi cúi mặt: "Cha mẹ đi lâu rồi không về, hai chị em ở với nhau, bữa nào không có ăn thì nhịn". Câu nói ấy đã gieo vào lòng chúng tôi bởi ở nơi đây để có ăn hàng ngày là một giấc mơ xa xỉ.

Cũng như hai chị em Khăm, Lương Thánh Nông - lớp 3E và Lương Thị Tường - lớp 4E phải về ở nhờ nhà chú ruột vì sớm chịu cảnh mồ côi cha mẹ. Cái nghèo, cái đói cộng với nhận thức hạn chế, người chú ấy chẳng thiết tha đến chuyện học của hai đứa cháu kém may mắn.

Thầy Đào Như Kiều, giáo viên chủ nhiệm lớp 4E, điểm trường Chăm Puông, Trường tiểu học Lượng Minh kể: "Cứ học được ít bữa lại thấy hai chị em Nông, Tường nghỉ học. Đến nhà thì hai đứa đang phải chăn bò vì ông chú không muốn cho đi học".

Những đứa trẻ sống "lay lắt" như vậy ở xã Lượng Minh không hề hiếm. Thống kê của 3 bậc học ở Lượng Minh khiến tôi sửng sốt bởi có đến 133 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cả cha và mẹ, hoặc có cha mẹ nhưng cũng như không khiến các em phải sống với người thân hay tự sống một mình. Tôi càng sửng sốt hơn khi 3 bậc học của toàn huyện Tương Dương có đến 618 học sinh rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Cô Vi Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 7C Trường THCS thị trấn Thạch Giám chia sẻ với chúng tôi: "Thiếu thốn tình thương của mẹ cha ngay từ khi còn nhỏ là một tổn thất quá lớn đối với những đứa trẻ nơi đây. Dù thầy cô trong trường rất quan tâm, chia sẻ, gần gũi… nhưng làm sao bù đắp hết được".

Nhìn những đứa trẻ thiếu cha, vắng mẹ ở lứa tuổi bậc THCS, chúng tôi không khỏi day dứt, xót xa. Không ít cháu đã sống thu mình, lặng lẽ, tự ti, mặc cảm với bạn bè, hoặc sớm tỏ ra "bất mãn".

Xót thương hàng trăm học sinh mồ côi sống lay lắt ở miền Tây xứ Nghệ - 4

Từ lâu, các em thiếu đi sự chăm sóc của cha mẹ.

Nói về số phận những học sinh kém may mắn ấy, thầy Trần Quốc Dương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS Yên Na rưng rưng: "Lẽ ra các em đã có tuổi thơ êm đềm như bao đứa trẻ khác. Thật đáng buồn cho những bậc làm cha, làm mẹ đã không tròn trách nhiệm, để các con họ chịu cảnh thiếu thốn, luôn tự ti và mặc cảm về thân phận".

Nhà trường luôn cố gắng dạy bảo các em nên người

Xót thương hàng trăm học sinh mồ côi sống lay lắt ở miền Tây xứ Nghệ - 5

Thầy giáo Đào Như Kiều, giáo viên chủ nhiệm lớp 4E, điểm trường Chăm Puông, Trường tiểu học Lượng Minh thăm và kiểm tra học tập ở nhà của hai chị em Lương Thánh Nông và Lương Thị Tường.

Thiếu hơi ấm của mẹ, sự dạy bảo ân cần của cha, con đường đến trường và xa hơn là tương lai của các em sẽ rất gập ghềnh.

Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh trầm tư: "Thiếu sự chăm sóc của mẹ cha, người thân, các em không được đủ đầy, trọn vẹn nên nhà trường luôn cố gắng dạy bảo các em nên người. Thầy cô cũng không gây áp lực đối với các em có hoàn cảnh bất hạnh bởi cuộc sống hàng ngày các em phải đối diện là đã quá bất công".

Xót thương hàng trăm học sinh mồ côi sống lay lắt ở miền Tây xứ Nghệ - 6

Thầy và trò điểm trường Chăm Puông thuộc trường Tiểu học Lượng Minh trong giờ học.

Trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, thầy Hà Huy Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thạch Giám không thôi day dứt: "Nhiều em sức học yếu nhưng nó chưa quan trọng bằng việc các em rất thiếu kỹ năng mềm, dễ bị rủ rê và tâm lý thì luôn mặc cảm. Vì vậy, công tác giáo dục trên lớp, ngoài giờ đang rất khó khăn".

"Vừa giảng dạy, thầy cô còn kiêm luôn tư vấn viên, quan tâm, giúp đỡ, động viên, sẻ chia với các em ngoài giờ lên lớp. Nhiều trường còn tổ chức sinh hoạt bán trú định kỳ mỗi tuần một lần, giao trách nhiệm các giáo viên kèm cặp nhiều hơn", thầy Thắng chia sẻ thêm.

Nói về hoàn cảnh của nhiều học sinh trên địa bàn, thầy Kha Văn Lập, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương nhận định: "Để hình thành nhân cách, tri thức của một đứa trẻ thì rất cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội. Gia đình là yếu tố đầu tiên nhưng với các em ở đây đã thiếu đi một tình thương.

"Các trường đã làm tất cả những gì có thể để bù đắp sự trống vắng tình cảm, dạy bảo của cha mẹ. Có một điều chắc chắn rằng, các em bước vào đời sẽ vất vả hơn, nhọc nhằn hơn so với chúng bạn", thầy Lập chia sẻ thêm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm