Xót cảnh trẻ mầm non học trong trường rách nát, ngập bùn

(Dân trí)-Hiện nay, học sinh Trường mầm non Mường Hoong, điểm trường làng Đắk Bối, xã Mường Hoong, huyện Đắk Glei (Kon Tum) đang phải ngồi học trong căn phòng tồi tàn, rách nát, bàn ghế dính lem đất bùn nhão. “Nhìn các em ngồi học ngập trong bùn thấy thương lắm..”-cô giáo điểm trường tâm sự.

Sau hơn 2 giờ chúng tôi đi bộ, vượt qua những con dốc cao trơn trượt, điểm trường mầm non làng Đắk Bối hiện ra nằm bên sườn ngọn núi. Điểm trường là một phòng học nhỏ khoảng 15m2, được làm bằng nứa, mái lợp tranh, nền đất, nằm bên cạnh 2 phòng của học sinh tiểu học.
 
Mái tranh, tường bằng nứa đã rách nát của điểm trường Đắk Bối.
Mái tranh, tường bằng nứa đã rách nát của điểm trường Đắk Bối.
 
Học sinh ngồi học trên những chiếc bàn dính lem bùm đất, nền nhà mỗi khi mưa xuống lại lầy lội.
Học sinh ngồi học trên những chiếc bàn dính lem bùm đất, nền nhà mỗi khi mưa xuống lại lầy lội.
 
Hai chiếc bảng dùng để dạy học của trường đã hỏng gần hết
Hai chiếc bảng dùng để dạy học của trường đã hỏng gần hết.

Học sinh mầm non của điểm trường gồm 13 em từ 3 - 5 tuổi được ghép chung lại thành một lớp, 100% là người đồng bào dân tộc Xê Đăng. Hàng ngày, các em đến lớp từ sáng sớm tới trưa thì tự về.

Khoảng 6h30 sáng, khi bố mẹ các em vác cuốc lên nương thì các em cùng nhau đi bộ tới trường đợi cô giáo đến. Hầu hết các em đều rất tự giác đi học. Khi đến lớp, trong lúc cô giáo chưa tới, các em dựng bàn ghế, ngồi ngay ngắn và cùng hát vang.

Trong lúc chờ cô tới, các em cùng nhau ngồi hát
Trong lúc chờ cô tới, các em cùng nhau ngồi hát.

Cô Y Lộc (sinh năm 1986) - giáo viên của lớp mầm non này cho biết, vì không có nhà ở tại trường, nên hàng ngày cô đều phải dậy từ sớm để đi bộ lên đây cho kịp giờ dậy cho các em. Nhìn quanh căn phòng học rách nát, cô cho biết: “Căn phòng được các phụ huynh trong làng góp công sức dựng lên để có chỗ  cho học sinh ngồi học, đã từ lâu rồi chưa được tu sửa nên tồi tàn. Muốn trang trí lớp học cho đàng hoàng để giảng dạy cho tốt, nhưng mưa xuống nước tràn vào phòng học, dột ướt hết, nhìn các em ngồi học ngập trong bùn thấy thương lắm, nhưng không biết làm gì hơn được”.

Theo cô Lộc, trong tất cả các học sinh ở đây, em A Hậu (4 tuổi) là học sinh giỏi nhất, mới 4 tuổi nhưng em đã nhận mặt được hết 29 chữ cái và 10 số.

Do trường chỉ là căn phòng học tạm bợ nên việc giảng dạy của cô Lộc cũng rất hạn chế. Ngoài phòng học tạm bợ, chiếc bảng viết đã bị vỡ một cạnh, bảng chữ cái bị nhàu nhát, chiếc thước kẻ cô dùng cũng chỉ là thanh kẹp của bảng chữ cái bị rơi ra, không có cách nào khác, cô chỉ dựa vào những bức tranh, con số được cắt ra để phục vụ cho việc giảng dạy.

Cô giáo dạy học với những dụng cụ thô sơ
Cô giáo dạy học với những dụng cụ thô sơ
 
Toàn cảnh lớp học
Toàn cảnh lớp học.

Về bản thân cô Y Lộc, do trường không có nhà công vụ để ở nên hàng ngày cô đều phải đi bộ 2 giờ để lên trường để dạy, chiều tối lại đi bộ về.

Trao đổi với PV Dân trí, cô Phùng Thị Phượng - hiệu trưởng Trường mầm non Mường Hoong cho biết: Toàn trường có 1 điểm trường chính và 12 điểm trường phụ ở các làng, trong đó điểm trường Đắk Bối là một trong những điểm khó khăn nhất, khi trời mưa xuống thì dột ướt, nước chảy tràn vào phòng học gây khó khăn cho việc học và giảng dạy của học sinh và giáo viên. Cô Phượng đã kiến nghị lên Phòng Giáo dục những khó khăn này nhưng chưa được giải quyết.

Hoàng Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm