Bạn đọc viết:
Xin đừng “giảng trước khai sau”
(Dân trí) - Khai giảng là một ngày lễ trọng đại của toàn xã hội, neo giữ dòng cảm xúc bâng khuâng, náo nức, rộn rã của thầy và trò sau mấy tháng hè xa trường lớp. Niềm vui nhen nhóm trong vòng tay tình thầy nghĩa trò. Những trang vở trắng tinh, những quyển sách thơm mùi giấy mới nâng niu lật giở bài học đầu tiên…
Dòng cảm xúc ấy lan tỏa những tình cảm tích cực trong tâm hồn con trẻ, trong lòng thầy cô và trong xã hội.
Thế mà chẳng biết từ bao giờ tình trạng học trước vài tuần rồi khai giảng lại diễn ra, ăn sâu vào nếp nghĩ. Để rồi dù cho học sinh, giáo viên, phụ huynh và xã hội góp tiếng nói đòi KHAI - GIẢNG nhưng nếp cũ vẫn cứ diễn ra: “giảng trước khai sau”.
Người ta đã phân tích sự thui chột hứng thú trong ngày khai giảng trọng đại vì đã mài dần cảm xúc trong mấy tuần lễ học trước đó. Người ta nói nhiều đến một ngày lễ khô cứng xúc cảm với cảnh chào cờ, đón học sinh mới, lắng nghe tiếng trống khai trường…
Thật khó để khơi lên ấn tượng sâu sắc, cảm xúc hồi hộp, háo hức chào đón ngày lễ khai trường tưng bừng cờ hoa trong lòng học sinh. Nếu đặt câu hỏi “Ngày khai trường đáng nhớ của em như thế nào?”, có lẽ không ít học sinh buông những câu viết vô hồn, những dòng chữ uể oải: “Bình thường ạ”, “Không có gì đặc biệt”…
Tâm lý “học cho có, chờ khai giảng” cũng đã manh nha không ít để rồi những ngày đến lớp ấy có phần lơi lỏng trong học tập, nề nếp. Học trước chương trình tầm hai tuần rồi thì thời gian cuối năm học lại dư thừa. Giữa tháng 5 đã thi cử , đánh giá, xếp loại đâu vào đó nhưng toàn trường vẫn ngày ngày đến lớp chờ cuối tháng mới chính thức tổng kết năm học.
Khoảng thời gian ấy là cả một “bể khổ” cho cô lẫn trò. Tiếng là ôn tập chương trình nhưng thật sự chỉ có những lớp cuối cấp mới “cày” để ôn luyện vào trường chuyên lớp chọn hoặc là thi tốt nghiệp. Còn lại là cảnh đến lớp, ngồi chơi, nói chuyện, chạy nhảy vẫn diễn ra nhan nhản. Trò uể oải, cô áp lực giữ trật tự lớp, cơ sở vật chất nhà trường lại có dịp hao hụt, hư hỏng bởi một vài học sinh quậy quá trớn.
Năm ngoái, sau khi TP Đà Nẵng tiên phong với quyết định cho phép học sinh được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè, 5/9 khai giảng và bắt đầu học tuần đầu tiên vào 6/9, sự đồng thuận và hi vọng đổi mới đã được thổi bùng lên. Vậy mà, sự hụt hẫng đã nhanh chóng đến với rất nhiều địa phương đi theo nếp cũ, lệ cũ.
Năm nay, rất nhiều tỉnh thành lại tiếp tục công bố lịch tựu trường vào tháng 8 và học chính thức khoảng 1, 2 tuần trước ngày khai giảng chính thức 5/9. Niềm mong ước con trẻ nuôi dưỡng cảm xúc háo hức cho ngày khai giảng thật sự là khó níu giữ.
Vậy là nhiều trường sẽ bước vào 2 tuần học trước khai giảng với thách thức điều chỉnh tâm lý “xem nhẹ” tuần học dự trữ trong học sinh và giáo viên. Rồi cô trò cũng đã tiếp tục dự lễ khai trường giờ chẳng còn đáng nhớ như xưa. Và cuối năm lại thảnh thơi đến uể oải chờ đợi ngày kết thúc năm học cũng như tự nhen lên hi vọng năm sau sẽ đổi mới.
Nền giáo dục nước nhà đang ra sức đổi mới, cải cách nhằm đem lại bộ mặt mới, sức sống mới cho toàn ngành. Vậy sao một điều quá đỗi giản dị mà thiêng liêng là trả lại đúng ý nghĩa ngày khai giảng lại khó thực hiện đến thế?
Thay vì cứ mãi học trước chờ khai giảng, ngành giáo dục chỉ cần lùi thời gian thi cử cuối năm lại 1, 2 tuần. Vậy là vẹn cả đôi đường. Sau ngày tựu trường sẽ là khoảng thời gian học sinh tham gia “tuần sinh hoạt công dân”. Các em sẽ được ôn tập về truyền thống nhà trường, học tập nội quy, ổn định nề nếp lớp…
Tất nhiên đây cũng là khoảng thời gian quý báu để các em tham gia vào những buổi ngoại khóa sôi động, chuyên đề thú vị, chẳng hạn: tổ chức trò chơi dân gian, giải bóng đá học sinh, hoạt động trồng cây chào năm học mới, ngày hội an toàn giao thông học đường, tọa đàm về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội,…
Những kỹ năng sống cần thiết cũng như niềm vui mỗi ngày đến trường sẽ được hun đúc từ chính những hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” như thế. Và thầy trò sẽ chuẩn bị một tâm thế vững vàng, ổn định bước vào năm học mới, chào đón ngày khai giảng ý nghĩa, lắng nghe tiếng trống khai trường giục giã.
Xin đừng cố níu giữ “giảng trước khai sau”!
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!