Xét tuyển ĐH 2019: Chọn ngành hay chọn trường?
(Dân trí) - Trong số hàng ngàn ngành học đại học làm thế nào để lựa chọn được ngành học phù hợp nhất với bản thân? Trong số hàng trăm trường đại học, làm thế nào để lựa chọn được trường đúng với năng lực để gửi gắm tương lai?
Đây là câu hỏi làm “đau đầu” không ít thí sinh và phụ huynh trước ngưỡng cửa xét tuyển đại học 2019.
Chọn ngành hợp sở trường
Thực tế cho thấy, rất nhiều thí sinh chọn trường rồi mới chọn ngành học. Thí sinh thường chọn những trường đại học danh tiếng sau đó chọn những ngành học có điểm xét tuyển thấp nhất để tăng khả năng đỗ đại học, dù ngành học đó không phù hợp với sở trường của mình. Đó là một sai lầm lớn, bởi việc học và theo đuổi một lĩnh vực mà bản thân không có sở trường, không có sự yêu thích sẽ dẫn đến tâm lý chán nản, học tập không hiệu quả, lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.
Hiện nay, mỗi ngành thường có nhiều trường đào tạo với định hướng và thế mạnh riêng. Chẳng hạn, nếu thích ngành Dược, ngoài các trường Top đầu như trường ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y Hà Nội… thí sinh có thể tham khảo thêm các cơ sở đào tạo khác đào tạo ngành này.
Thay vì bó hẹp phạm vi tìm hiểu của mình trong 2-3 trường TOP đầu, các thí sinh có thể mở rộng phạm vi tìm hiểu của mình để chọn được ngành học yêu thích ở các trường đại học tốt mà điểm chuẩn không quá sức.
Chọn trường theo NĂNG LỰC
Trước khi ứng tuyển vào bất kỳ trường đại học nào, việc thí sinh cần quan tâm và tìm hiểu đầu tiên là điểm chuẩn của trường. Điểm chuẩn có thể thay đổi qua từng năm, phụ thuộc vào các yếu tố, như: độ uy tín của trường, độ HOT của ngành học, chỉ tiêu xét tuyển, số lượng thí sinh nộp hồ sơ… và đặc biệt là độ khó của đề thi năm đó. Theo đó, các thí sinh cần tìm hiểu kỹ điểm chuẩn của trường trong 3-5 năm liên tiếp để có cái nhìn toàn diện nhất.
Bên cạnh điểm chuẩn, thí sinh cần quan tâm đến môi trường, chương trình và chất lượng đào tạo của trường đại học đó. Đặc biệt, thí sinh cần tìm hiểu về tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành của trường đó bởi đây là căn cứ phản ánh chính xác, khách quan nhất về chất lượng đào tạo của trường đại học.
Ví dụ, Trường ĐH Ngoại thương đạt 95,9%; ĐH Kinh tế Quốc dân đạt 95%; ĐH Đại Nam đạt trên 90%. Những trường đại học có chương trình đào tạo hiện đại, thực tiễn giúp phát triển tối đa Kiến thức – Kỹ năng - Trải nghiệm luôn xứng đáng là lựa chọn hàng đầu.
Tiếp đến, thí sinh cần quan tâm đến cơ sở vật chất, điều kiện thực hành, cơ hội trải nghiệm thực tế trong thời gian học tập tại trường. Đặc biệt là việc hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác đào tạo quốc tế vì đây là những tiền đề vô cùng cần thiết và quan trọng cho việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
Trường công, trường tư đều học chung… THẦY
Bên cạnh việc lựa chọn ngành học, trường học theo sở trường, năng lực, không ít thí sinh chọn trường, chọn ngành theo cảm tính. Rất nhiều thí sinh chỉ vì hâm mộ thầy nọ, cô kia mà quyết tâm vào bằng được trường đại học, ngành học có thầy cô đó đang công tác, giảng dạy. Hậu quả là không chọn được ngành học, trường hợc phù hợp và đánh mất đi cơ hội học đại học của bản thân.
Điều đáng nói, nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn đặt nặng tư tưởng trường công, trường tư; lo lắng học trường tư không được học các thầy cô giỏi như ở trường công. Đây là suy nghĩ sai lầm bởi hiện nay sinh viên trường công và trường tư đều học chung thầy với nhau.
Khảo sát tại những trường đại học ngoài công lập như trường ĐH Đại Nam, ĐH FPT, ĐH Thăng Long… các trường đều có số lượng giảng viên thỉnh giảng chọn lọc được mời từ các trường công Top đầu như: ĐH Dược Hà Nội; ĐH Ngoại thương; ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH QGHN; ĐH Kiến Trúc Hà Nội; ĐH Xây dựng; Học viện Tài chính; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện Tài chính – Ngân hàng…
Chưa kể các trường tư hiện nay có rất nhiều chính sách thu hút nhân tài nên 100% đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường được chọn lựa kĩ càng và thấm nhuần tinh thần “coi sinh viên là khách hàng để phục vụ đào tạo, đem đến sự hài lòng cho khách hàng bằng chất lượng bài giảng của mình”.
Mặt khác, để cạnh tranh và khẳng định uy tín, thương hiệu, các trường ngoài công lập phải không ngừng đầu tư cơ sở vật chất; cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy; kiện toàn, phát triển đội ngũ giảng viên; đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp và hợp tác đào tạo quốc tế… đặc biệt là thực hiện cam kết đầu ra cho sinh viên.
Thu Hòe