Chủ tịch Hội Khuyến học Bạc Liêu:
Xây dựng các mô hình học tập chất lượng, phù hợp với cuộc cách mạng 4.0
(Dân trí) - Ngày 22/12, Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu tổng kết đánh giá sự phối hợp, liên kết với các ngành có liên quan về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2015 - 2020.
Ông Dương Hoài Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, cho biết, Hội đã phối hợp thực hiện đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2015 - 2020" và "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" theo Quyết định 89 và Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ, với các ngành: Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ; Sở LĐ-TB&XH; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; tỉnh Đoàn; Hội Liên hiệp phụ nữ; Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh; Liên đoàn lao động; Hội Người cao tuổi; Hội Cựu giáo chức.
Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền mà việc triển khai thực hiện các đề án có nhiều thuận lợi và mang lại hiệu quả tích cực. Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, về xây dựng các mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập được quan tâm nhiều hơn.
Kết quả phối hợp cho thấy, hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng qua từng năm đều được đánh giá có chất lượng ngày càng tốt (Sở Giáo dục); hàng ngàn lượt người được tư vấn học nghề, định hướng việc làm và đào tạo nghề cho hơn 63.400 người (Sở LĐ-TB&XH); phát huy vai trò "tuổi cao - gương sáng" về học hỏi thường xuyên, học tập suốt đời để con cháu noi theo (Hội Người cao tuổi).
Giáo dục cho thế hệ trẻ trên 32.000 lượt đoàn viên, thanh niên về truyền thống yêu nước, nuôi dưỡng hoài bão, cố gắng học hành để cống hiến ngày càng nhiều cho xã hội (Hội Cựu chiến binh); tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho nông dân, qua đó góp phần xây dựng nền tảng trong xây dựng xã hội học tập ở nông thôn, cũng như hỗ trợ nông dân tiếp cận công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, từ đó hình thành đội ngũ nông dân tiên tiến làm động lực cho nông nghiệp phát triển (Hội Nông dân).
Nhiều mô hình tự học tập, rèn luyện trong thanh, thiếu nhi, như: "Học đều, học đủ, học chăm", "Học đi đôi với hành", "Học thực chất, thi nghiêm túc", "Vượt khó học tốt", "Đôi bạn cùng tiến", góp phần nâng cao chất lượng học tập (tỉnh Đoàn).
Kịp thời hỗ trợ cho con em người lao động có hoàn cảnh khó khăn qua các chương trình "Cùng em đến trường", "Tháng hành động vì trẻ em", "Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ"… giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên học tốt (Liên đoàn lao động).
Ông Nguyễn Kiên Nhẫn, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, từ năm 2001 đến nay, hầu như tất cả các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đề ra, Hội Khuyến học đều hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Đặc biệt là Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đã thực hiện quyết liệt đạt, vượt chỉ tiêu trước 15 tháng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, ông Nguyễn Kiên Nhẫn cũng chỉ ra rằng, công tác liên kết, phối hợp ở một số nơi còn chưa chặt chẽ, một vài đơn vị còn thờ ơ, chưa mặn mà với công tác khuyến học, trong chương trình công tác hằng năm chưa đưa công tác khuyến học lồng ghép vào.
Việc xây dựng xã hội học tập còn đề cập một cách sơ sài, do đó chủ trương triển khai những công việc liên quan đến lĩnh vực này ít được các ngành, cơ quan, đoàn thể quan tâm, hưởng ứng và chung sức thực hiện.
"Nhận thức của một số cán bộ, hội viên về xây dựng xã hội học tập chưa đầy đủ, dẫn đến việc xây dựng các mô hình học tập từng lúc còn chưa sâu", ông Nhẫn nhận định.
Ký kết phối hợp, liên kết giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu đề nghị, các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, đặc biệt là vấn đề giáo dục cho người lớn.
Trong đó, tiếp tục triển khai nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình học tập, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng 4.0; nâng cao chất lượng các Trung tâm học tập cộng đồng, với tư cách là địa điểm học tập suốt đời của người dân ở cộng đồng, là công cụ thiết yếu ở cơ sở để xây dựng xã hội học tập.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, Hội ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với trường Đại học Bạc Liêu và Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu, mở lớp Đại học ngành Bảo vệ thực vật hệ chính quy tập trung theo địa chỉ sử dụng, với thời gian 4 năm (từ 2020 - 2024). Mỗi năm một lớp gồm 30 sinh viên là con em của cán bộ, hội viên, nông dân.
Theo ký kết, Hội Nông dân trực tiếp triển khai, tham vấn để chọn con em hội viên nông dân có nhu cầu học Đại học ngành Bảo vệ thực vật và thành lập Chi hội nông dân từ các em sinh viên này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ trường Đại học Bạc Liêu.
Trường Đại học Bạc Liêu có trách nhiệm đào tạo đúng chuyên ngành đã thỏa thuận, giúp sinh viên được học tập và thực hành, kết quả cuối khóa sẽ cấp văn bằng tốt nghiệp Đại học chính quy ngành Bảo vệ thực vật.
Công ty đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu sẽ hỗ trợ toàn bộ học phí đào tạo, đồng thời giải quyết việc làm cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.