Chào mừng ngày khuyến học Việt Nam (2/10/2008):

Xã hội học tập là xu thế mới của nhân loại

(Dân trí) - Có thể nói, xã hội học tập là một xu thế mới trong quá trình phát triển của nhân loại ở thời kỳ hậu công nghiệp. Đó cũng là đòi hỏi của yêu cầu phát triển kinh tế, của tiến bộ khoa học và của sự phát triển con người thời đại mới.

Học tập suốt đời, học tập thường xuyên, học tập cho mọi người là nội dung chủ yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học. Đây cũng là nội dung cốt lõi của khái niệm xã hội học tập mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng trong bối cảnh thế giới đang có những đổi thay to lớn và nhanh chóng trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ, sự bùng nổ của cách mạng thông tin.

Tư tưởng đó, nội dung đó được thể hiện trong Văn kiện Đại hội IX của Đảng khi nhấn mạnh "Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện: "giáo dục cho mọi người", "Cả nước trở thành một xã hội học tập" và được Văn kiện Đại hội X nêu rõ thêm "Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống giáo dục suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người với những hình thức học tập, thực hành linh hoạt, bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục".

Có thể nói xã hội học tập là một xu thế mới trong quá trình phát triển của nhân loại ở thời kỳ hậu công nghiệp. Đó cũng là đòi hỏi của yêu cầu phát triển kinh tế, của tiến bộ khoa học và công nghệ và cũng là đòi hỏi của sự phát triển con người ở thời đại mới.

Mô hình tổng quát của xã hội học tập bao gồm:

Hệ thống giáo dục ban đầu với các ngành học từ nhà trẻ, mẫu giáo đến giáo dục phổ thông, giáo dục cao đẳng và đại học. Hệ thống này còn được gọi là hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường.

Và Hệ thống giáo dục tiếp tục, giáo dục ngoài xã hội gồm những trường lớp, những tổ chức học tập theo phương thức giáo dục không chính quy hoặc phi chính quy (cần gì học nấy).

Nền giáo dục trong xã hội học tập hướng vào việc xây dựng cho con người năng lực đón nhận, xử lý, sử dụng, truyền bá… thông tin để xã hội tiến kịp sự phát triển của tri thức nhân loại. Do vậy, nền giáo dục phải tập trung vào sự phát triển con người trên cơ sở tự chủ của mỗi người, làm cho con người phát huy cao độ năng lực sáng tạo, năng động về mọi phương diện.

Việc đề cao phương thức học tập suốt đời phải đi đôi với đề cao năng lực tự học của mỗi người. Ngày nay trong điều kiện phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ, không ai có thể coi kiến thức của giáo dục ban đầu tức giáo dục từ nhà trẻ đến đại học và trên đại học lại có thể đủ cho cả đời người. Vì vậy, phải tiếp tục học tập, học không bao giờ ngừng, phải thay đổi tư duy giáo dục phù hợp với xu thế chung xem giáo dục đào tạo là yếu tố quyết định tương lai của mỗi dân tộc, sự phát triển của mỗi quốc gia.

Báo cáo của Uỷ ban quốc tế về phát triển giáo dục thế kỷ XX thuộc tổ chức UNESCO nêu lên 4 trụ cột của giáo dục: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống và Học để tồn tại.

Một phong trào quần chúng sâu rộng

Cùng với việc khẳng định giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, trên cơ sở thắng lợi ban đầu của công cuộc đổi mới, Đảng ta chủ trương thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm chuyển nền kinh tế chủ yếu còn là kinh tế nông nghiệp cùng một lúc vừa sang nền kinh tế công nghiệp vừa sang nền kinh tế tri thức trên một số lĩnh vực. Và để làm được điều điều đó, dân trí phải được nâng cao, nhân lực phải được đào tạo dồi dào, nhân tài phải được phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng.

Do đó, cùng với việc chấn hưng nền giáo dục nước nhà, củng cố và phát triển hệ thống giáo dục chính quy, cần có một tổ chức xã hội để vừa hoạt động hỗ trợ hệ thống giáo dục chính quy, vừa động viên, tổ chức việc học tập cho người lớn, người về hưu, những người không có điều kiện học tập ở nhà trường để nâng cao trình độ, bồi dưỡng kiến thức, hoàn thiện tính cách. Đó là gợi ý của một số nhà lãnh đạo lão thành như đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Nguyên Giáp,...

Trên cơ sở gợi ý đó, ngày 2/10/1996, Hội Khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Hội khuyến học Việt Nam) ra đời, phát huy mạnh mẽ truyền thống hiếu học của dân tộc, vận dụng kinh nghiệm vận động nhân dân đi học rút ra từ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Truyền bá quốc ngữ, Bình dân học vụ trước đây, tích cực thực hiện việc tổ chức và hỗ trợ sự phát triển giáo dục theo tinh thần xã hội hoá. Chủ tịch đầu tiên của Hội là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân, Chủ tịch danh dự là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Suốt 12 năm qua Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn được suy tôn là Chủ tịch danh dự của Hội.

Trong 12 năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài đã phát triển nhanh chóng trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng. Từ chỗ có khoảng 100.000 hội viên năm 1996, đến nay Hội đã có trên 6 triệu hội viên. Hội đã có mặt ở tất cả 64 (nay là 63) tỉnh thành, 100% huyện, thị, quận, trên 98% xã phường, và đã lan toả đến thôn, làng, bản, trường học, doanh nghiệp, nhà chùa, nhà thờ, đơn vị lực lượng vũ trang…, nói chung đến mọi địa bàn dân cư trong cả nước.

Hàng vạn lớp học với hàng triệu người tham gia

Xã hội học tập là xu thế mới của nhân loại - 1
 

Để tạo lực lượng nòng cốt vận động các tầng lớp nhân dân tham gia học tập, Hội đã phát động phong trào xây dựng "Gia đình hiếu học và dòng học khuyến học", một mô hình độc đáo Việt Nam.

Để được công nhận là "Gia đình hiếu học" phải đạt 3 tiêu chí:

1. Có con em đến tuổi đi học phải được đi học, động viên con em học khá trở lên, giáo dục con em không phạm tiêu cực xã hội.

2. Các thành viên gia đình phải tham gia một hình thức học tập.

3. Gia đình phải tích cực tham gia phong trào khuyến học.

Để đạt danh hiệu "Dòng họ khuyến học" phải có ít nhất 50% tổng số gia đình trong họ là "Gia đình hiếu học".

Mô hình này vừa góp phần tạo môi trường giáo dục lành mạnh trong nhà trường, khắc phục tình trạng lưu ban, bỏ học, ngăn ngừa tiêu cực xã hội xâm nhập vào nhà trường, vừa động viên người lớn thi đua học tập. Đến nay trong cả nước đã có trên 5 triệu gia đình đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu "Gia đình hiếu học" và đã có hơn 3 triệu gia đình được công nhận và cấp bằng và đã có hơn 5 vạn dòng họ được công nhận là "Dòng họ khuyến học".

Để tạo cơ sở học tập thường xuyên cho người lớn nhất là nông dân ở nông thôn và người lao động ở thành thị, Hội đã phối hợp với ngành Giáo dục & Đào tạo xây dựng được hơn 9.000 trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn.

Thời gian qua, các trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công… tổ chức được hàng chục vạn lớp học với hàng triệu người tham gia tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản suất.

Hội cũng đã thành lập 60 đơn vị trực thuộc. Trong thời gian qua các đơn vị này đã góp phần đào tạo nghề cho hơn 2 vạn người, đào tạo hơn 13 nghìn người đạt trình độ trung cấp và sơ cấp chuyên nghiệp, 600 thạc sĩ và cử nhân quản trị kinh doanh qua đường du học tại chỗ, hướng dẫn cho hơn 6000 người đi du học nước ngoài… Một số đơn vị trực thuộc đã mở các lớp học dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, cơ nhỡ…

Bên cạnh đó nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang đã tổ chức các cơ sở học tập thường xuyên để nâng cao trình độ cho cán bộ, nhân viên.

Hàng triệu học sinh được quỹ khuyến học trợ giúp

Hội đã thành lập Quỹ khuyến học ở các cấp để cấp học bổng cho học sinh nghèo, cho học sinh giỏi vượt khó đi lên, trợ cấp cho các thầy cô giáo gặp hoàn cảnh khó khăn. Trong 5 năm lại đây, mỗi năm Quỹ khuyến học các cấp đã chi trung bình 250 - 300 tỷ đồng vào việc này. Nhờ sự tài trợ của các doanh nhân thành đạt và các nhà hảo tâm, mỗi năm có khoảng 2 - 3 triệu học sinh, sinh viên được hưởng sự trợ giúp của Quỹ khuyến học Trung ương, Quỹ Vòng tay đồng đội (dành cho con em thương binh, liệt sĩ, bộ đội có hoàn cảnh khó khăn), Quỹ Khuyến học của các cấp Hội, Quỹ của các "Dòng họ khuyến học"…Cùng với Quỹ Khuyến học cũng cần phải kể đến hàng chục Quỹ học bổng do các địa phương, các tổ chức, các ngành đã lập ra và hàng năm cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, thưởng cho học sinh, sinh viên học giỏi.

Để góp phần vào việc phát hiện nhân tài, trong 4 năm qua hàng năm Hội đã tổ chức cuộc thi "Nhân tài đất Việt" đạt kết quả rất tốt trước hết trên lĩnh vực công nghệ thông tin và sẽ từng bước chuyển sang các lĩnh vực khác.

Một sự kiện quan trọng cho công tác khuyến học

Một cao trào học tập đang dâng cao. Các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia học tập để xoá đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, quyết tâm thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cao trào đó có được là do Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao phát huy truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc; sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội Khuyến học với ngành Giáo dục & Đào tạo; sự phối hợp và hỗ trợ tích cực của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, đặc biệt là những tổ chức đã ký kế hoạch hợp tác hàng năm với Hội như Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người Cao tuổi, Hội Cựu Giáo chức, v.v..

Với những thành tích đạt được trong 12 năm qua, Nhà nước đã quyết định lấy ngày 2/10 làm Ngày Khuyến học Việt Nam.

Chúng ta tự hào chào đón ngày này, xem đây là sự kiện quan trọng động viên toàn Đảng, toàn dân ta đẩy mạnh hơn nữa phong trào khuyến học khuyến tài, sớm xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, theo đúng tinh thần Chỉ thị 11/CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xác định: "Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, là mục tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển giáo dục của nước ta" và Chỉ thị 02/2008/CT-TTg ngày 08/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ thể chế hoá về mặt nhà nước Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị nhằm đưa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, quyết tâm thực hiện mong muốn của Bác Hồ: "dân tộc ta phải là một dân tộc thông thái".

Nguyễn Mạnh Cầm
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam