Vượt núi, băng rừng đến với điểm trường lẻ
(Dân trí) - Nằm tách biệt so với thế giới bên ngoài, cuộc sống của bà con thôn Thung (xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) còn muôn vàn khó khăn. Nhưng hàng chục năm qua, nhờ lòng nhiệt huyết và tình cảm với bà con mà những giáo viên cắm bản đã âm thầm “cõng con chữ” lên non, không để cho các em học sinh phải thất học.
Gặp cô Phạm Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh tại điểm trường chính, khi nghe chúng tôi nói muốn được lên điểm trường thôn Thung, cô Mai cảm thấy e ngại, không phải vì cô sợ điều gì mà vì con đường lên đó quá khó khăn.
Cô Mai cho biết, tại thôn Thung có 2 lớp ghép và nhà trường có 2 giáo viên phụ trách tại đây. Đây thuộc vào một trong những điểm trường khó khăn nhất của huyện Lang Chánh. Điểm trường này được thành lập từ năm 1992. Nghe phóng viên hỏi về những thuận lợi của điểm trường lẻ, cô Mai cười: “Thuận lợi thì chả có thuận lợi gì, chỉ có điều, nhân dân quan tâm đến việc học của con em thôi.
Còn cái khó khăn thì nhiều, đó là giao thông đi lại lầy lội quanh năm, thầy cô thường phải đi bộ qua rừng; cơ sở vật chất được xây dựng từ những năm 1990 nên xuống cấp trầm trọng, dù nhà trường đã sửa chữa hàng năm. Giáo viên chủ yếu ở nơi khác đến công tác nên chỗ ở với họ rất cần thiết. Hiện nay đang phải ở trong nhà tranh, vách nứa. Học sinh 100% là con em hộ nghèo, bà con dân tộc Mường là chủ yếu. Dù họ rất quan tâm đến con em nhưng cái khó nó bó cái khôn”.
Chúng tôi quyết định theo chân hai thầy giáo Trường tiểu học Đồng Lương lên thăm thôn Thung. Trước lúc lên đường, thầy Thông và thầy Khương không quên trấn an “đường đi khó lắm đấy, nhà báo chuẩn bị tinh thần băng rừng nhé”. Con đường ngắn nhất và nhanh nhất để lên thôn Thung là phải trèo qua ba ngọn đồi, theo các thầy giáo thì con đường này dài chừng 3,5km và phải mất gần 2 giờ đi bộ. Dù chưa đặt chân đến thôn Thung, nhưng qua câu chuyện của các thầy giáo, chúng tôi cảm nhận được phần nào những khó nhọc mà các giáo viên cắm bản nơi đây phải trải qua.
Cô giáo Lê Thị Hằng đã có gần 15 năm gắn bó với điểm trường này
Giao thông đi lại khó khăn là vậy, nhưng hàng chục năm qua, những giáo viên cắm bản của trường Tiểu học Đồng Lương vẫn âm thầm vượt núi đến đây để dạy học cho trẻ em trong thôn. Thôn Thung nằm gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Giao thông đi lại vốn đã cách trở, nơi đây vẫn chưa có điện, không có giao thương, cuộc sống của người dân hoàn toàn tự cung tự cấp.
Cô Lê Thị Hằng là một trong những giáo viên có thâm niên gắn bó với thôn Thung nhất. Cô Hằng đã về với bản làng nơi đây được gần 15 năm nay. Gia đình cô ở xã Quang Hiến, cách nơi cô công tác khoảng 30 cây số. Tuy nhiên, do đường đi lại khó khăn, cách trở nên cả tuần ở lại thôn dạy học, đến trưa thứ 6 hằng tuần, cô lại vượt qua ba quả đồi để về nhà, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ đều đặn như vậy gần 15 năm nay.
Mỗi lần về nhà, hành trang cô mang theo đến thôn Thung là thịt lợn muối, cá khô, trứng và mì tôm đủ cho một tuần ở đây… Với mỗi giáo viên đến đây công tác thường là 2 đến 3 năm sẽ được luân chuyển về điểm trường chính. Nhưng, bản thân cô Hằng đã tình nguyện xin ở lại với các em học sinh nơi đây.
“Cũng bởi vì gắn bó với bà con quá rồi, hơn nữa thấy thương các em, các cháu, vì cũng sợ xa nơi này rồi lại nhớ…”, cô Hằng chia sẻ.
Thầy giáo Phạm Đức Nghi đang phụ trách lớp 4 và lớp 5
Giữa trưa, ánh nắng chiếu từ trên cao xuyên thẳng xuống thung lũng, nhưng cái lạnh vẫn như thấu vào da thịt. Mùa đông nơi đây cũng thường lạnh hơn so với những khu vực khác. Ngoài cô Hằng, hiện ở đây còn có thầy giáo Phạm Đức Nghi lên thôn Thung công tác cũng đã gần 3 năm. Thầy phụ trách lớp 4 và lớp 5, hai lớp học chung một phòng. Mỗi lớp chỉ có 4 và 6 học sinh.
Vừa xuýt xoa hai bàn tay vào nhau, thầy Nghi dẫn chúng tôi vào lớp học, đó là một căn phòng nhỏ được ngăn đôi làm hai lớp, bên cạnh chiếc bảng và bàn ghế học sinh, còn kê thêm một cái giường đơn. Thấy chúng tôi lạ lẫm, thầy Nghi cười bảo “đó là chỗ nghỉ ngơi của thầy giáo đấy”.
Trong khu lẻ của thôn Thung, ngoài lớp học của điểm trường Tiểu học còn có cả lớp học của trường Mầm non do cô Phạm Thị Tuyền phụ trách. Lúc chúng tôi đến đang là giờ học tiết vận động, đồ dùng học tập của các cháu là ba viên gạch vồ, mấy thanh tre được uốn cong như cây cung và cột lại với nhau bằng những sợi dây sơ sài. Các em học sinh xếp hàng, chụm chân nhảy qua mấy viên gạch đó, rồi luồn người qua những thanh tre uốn cong. Đơn giản vậy thôi mà thấy các em say mê chơi một cách kỳ lạ. Tiếng cười vui vang cả phòng học nhỏ.
Đời sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn vất vả, nỗi vất vả đó thể hiện qua hình ảnh những em học sinh với những khuôn mặt lấm lem. Trời lạnh, nhưng nhiều em học sinh cũng chỉ phong phanh vài manh áo mỏng, thậm chí có những em chân thì không đi tất.
Chúng tôi đã qua nhiều vùng đất, nhiều thôn bản nơi những vùng biên giới xa xôi, mỗi nơi có điều kiện, con người khác nhau, nhưng họ có chung một niềm đam mê, một nỗi vất vả về điều kiện sinh hoạt, công tác và bên cạnh đó là những hy sinh thầm lặng…
Duy Tuyên