“Vượt biên” tìm con chữ
(Dân trí) - Xã biên giới Khánh An, huyện An Phú (An Giang) là xã nghèo, nhiều trường học sơ sài, tạm bợ nhưng từ lâu đã trở thành trường “quốc tế” vì có hàng trăm học sinh Campuchia theo học.
Tri thức không biên giới
Các Trường tiểu học A - B và Trường THCS Khánh An (huyện An Phú) có hàng trăm trẻ người Việt từ xã Pẹc Chạy (quận Koh Thum, tỉnh Kan Đal, Vương quốc Campuchia) theo học. Xã Khánh An giáp xã Pẹc Chạy của Camphuchia, cách sông Hậu chừng 200m, có hơn 12.000 người Việt, chiếm đến 80% dân số. Các xã Sầm Pa Puơl, Sơn Kha Mau, Létt Đét… cũng thuộc quận Cỏ Thum (tỉnh Kan Dal), mỗi nơi có hơn 100 gia đình gốc Việt.
Năm học 2008-2009, trẻ em người Việt tại xã Pẹc Chạy qua Khánh An học khá đông, vượt dự kiến thu nhận của các trường ven biên. Ông Nguyễn Tấn Tài, hiệu trưởng Trường tiểu học “B” Khánh An cho biết: tổng cộng có học sinh các khối lớp khoảng 1.000 em, trong đó con em học sinh Việt kiều Campuchia chiếm hơn 600 em, riêng khối lớp 1 là 291 em.
Tại Trường tiểu học A Khánh An, học sinh người Campuchia chiếm đến 60%. Đây là trường có học sinh Campuchia theo học nhiều nhất so với các xã khác, thị trấn trấn tuyến biên giới huyện An Phú.
Cô giáo Nguyễn Thị Sánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học A Khánh An, cho biết: “Các em học sinh Việt kiều Campuchia và con em tại địa phương rải đều các khối lớp, các em sinh hoạt rất hòa đồng, không kể là học sinh ở đâu đến, trường đều tạo điều kiện giúp đỡ các em như nhau”.
Thầy giáo La Văn Bé, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh An cho biết: Dự kiến thu nhận khoảng 800 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, khối lớp 6 tiếp nhận mới 291 hồ sơ từ 2 Trường tiểu học A và B chuyển sang, các em người Việt kiều bên Campuchia chiếm tới 30%. Năm học 2007-2008, trường có 103 em tốt nghiệp trung học cơ sở thì học sinh Campuchia gốc Việt ở Pẹc Chạy chiếm 20%.
“Hàng trăm học sinh người Việt bên kia biên giới đã trưởng thành từ các trường tiểu học, trung học tại An Phú, rất nhiều em đã thi đậu hoặc tốt nghiệp đại học, đưa tri thức về các xóm làng người Việt bên Campuchia là những tấm gương để các em nhỏ nuôi dưỡng ước mơ. Nghành giáo dục của tỉnh luôn tạo điều kiện cho các em theo học, vì tri thức là không biên giới” - thầy Bé phấn khởi nói.
Tất cả vì con em
Từ Campuchia, học sinh phải vượt qua con sông biên giới Bình Di rồi băng qua những cánh đồng sình lầy nắng gắt. Hành trình đến với con chữ của con em Việt kiều gian khổ trăm bề. Thế nhưng, cũng nhờ thế mà quyết tâm của con em và tâm huyết của cha mẹ, nhà trường càng mãnh liệt. Càng ngày, lượng học sinh từ các xóm nghèo xứ Cam “vượt biên” tìm con chữ càng nhiều lên.
Anh Bùi Minh Hùng cưới vợ và quyết định lập nghiệp ở huyện Cỏ Thum (Campuchia) từ năm 1998. Anh cho biết, đa phần các gia đình gốc Việt bên đó đều nghèo, con cái thất học, đứa nào có thì cũng hết lớp 3 là cùng. Anh chị có một thằng con trai không thể đi học tại Campuchia vì trường học cách xa hàng chục cây số đường bộ, nhà anh lại không có phương tiện. Một lần nghe đài phát thanh huyện An Phú tuyên truyền đưa con đến trường đúng tuổi, anh quyết định chuyển con mình sang học tại trường tiểu học “A” Khánh An - huyện An Phú, từ đó cả nhà anh cùng nhau quyết tâm cho con theo cái chữ.
Hai vợ chồng làm nghề bắt cá, ngày trước mưu sinh vô định theo con nước. Bây giờ, cứ mỗi sáng sớm là cả gia đình đều lên xuồng “hồi hương”, khoảng 5 giờ sáng, anh chị đem cá qua chợ cửa khẩu Khánh Bình - An Giang bán và cũng là đưa con sang xã Khánh An học, đến trưa, bán cá xong, lại chèo xuồng đón con về. Có lúc cá bán chưa hết thì một người trông, một người đón con vè chợ rồi cả nhà cùng nhau bán tiếp. Khi bán hết cá sớm thì hai vợ chồng neo xuồng gần trường để chờ cậu con trai học xong. Nhờ vậy, cả gia đình luôn bên nhau, tình cảm càng thêm gắn bó bền chặt.
“Đang mùa nước nổi, lũ tháng tám thượng nguồn đổ về chảy xiết, nếu chạy xuồng mà lái không cẩn thận thì dễ đắm như chơi nhưng tụi tui quyết không để con phải nghỉ học một ngày nào chú ạ, cả nhà tôi trông chờ vào nó”- anh Hùng nói, không chỉ riêng anh, hàng trăm hộ Việt kiều bên kia biên giới đều như thế, từ ngày con em đi học, làng xóm vui hẳn.
Không chỉ có vậy, cha mẹ các em đều tích cực tham gia Hội cha mẹ học sinh ở các khối lớp tại Việt Nam. Họ cũng đều đặn “vượt biên” để tham gia các buổi họp với nhà trường, chia sẻ tâm tư tình cảm và vận động những gia đình và các học sinh có ý định bỏ học.
Sự ham học của học sinh và tâm huyết của phụ huynh bên kia biên giới khiến không ít người trong nước cảm động. Giờ đây, những chủ đò ngang xã Khánh An cũng đảm bảo tốt công việc đưa rước các em học sinh qua lại sông biên giới Bình Di miễn phí. Ngành giáo dục An Giang cũng chủ trương không thu tiền xây dựng cơ sở vật chất của các em. Và chuẩn bị năm học 2008-2009, Trường tiểu học A Khánh An còn tặng 878 suất quà, mỗi suất 100.000 đồng, gồm: Tập viết, bảng con, phấn, ba lô, nón… cho học sinh nghèo là Việt kiều Campuchia tại trường.
Tất cả đều chung tay vì một niềm vui chung: tri thức. Hàng ngày, bên bờ sông Bình Di, hàng trăm học sinh Việt kiều từ các xã Pẹc Chạy, huyện Kor Thum, tỉnh Kan Dal, Campuchia được cha mẹ đưa đi học bằng xuồng ba lá băng đồng, vượt lũ về Việt Nam tìm con chữ là một hình ảnh đẹp và nhân văn đến lạ kỳ.
Nhật Trường