Vụ nợ học phí bị trường giữ học bạ 2 năm: "Là mẹ, tôi đau xót vô cùng"
(Dân trí) - "Tôi khó khăn không thể xoay xở thật chứ không ai vì mấy chục triệu đồng mà để con thất học 2 năm nay. Là người mẹ, tôi đau xót vô cùng", bà Hiếu (mẹ nam sinh W.A.H.) giãi bày.
Gác giấc mơ trở thành bác sĩ
W.A.H. (SN 4/5/2008, TPHCM) là nhân vật chính được phản ánh trong bài viết "Mẹ phá sản, nam sinh bị trường quốc tế giữ học bạ 2 năm, thất học từ lớp 9".
Chia sẻ về hoàn cảnh của bản thân, A.H. cho biết bạn bè sắp học hết lớp 10 nhưng em vẫn đang dậm chân tại chỗ với chương trình lớp 8.
"Gần 2 năm không được đi học, em buồn vô cùng. Em chỉ quanh quẩn ở nhà giúp đỡ công việc của người thân, những lúc rảnh rỗi em đọc thêm tài liệu trên mạng, đặc biệt là nghe nhiều tiếng Anh để không quên kiến thức đang có sẵn. Em vẫn mong một ngày nào đó được đi học lại", A.H. ngậm ngùi.
Với ánh mắt buồn rượi, A.H. cho hay gia đình từng bàn tới việc cho em đi làm để kiếm tiền rút học phí nhưng em mới 14-15 tuổi cũng không nơi nào dám nhận.
"Trước đó, em ước mơ trở thành bác sĩ, thích học toán, sinh, tiếng Anh... Nhưng giờ đây, với hoàn cảnh gia đình, học phí ngành y cao, học lâu nên có thể em sẽ đổi hướng. Tuy nhiên, trước mắt mẹ con em mong mỏi nhất là có thể được đi học lại, ít nhất tốt nghiệp được bậc trung học phổ thông", H. bày tỏ.
Trả lời về vấn đề này, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Quốc tế Á Châu xác nhận W.A.H. là học sinh lớp 9 năm học 2022-2023.
Qua rà soát của trường, phụ huynh của học sinh A.H. nợ 4 tháng học phí và tiền ăn, tổng cộng hơn 83,2 triệu đồng. Số tiền sau giảm 30% còn hơn 58,2 triệu đồng.
Cần đảm bảo quyền đi học của trẻ
Bà Nguyễn Thị Hiếu, mẹ của A.H. thừa nhận gia đình mình sai khi còn nợ học phí nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có khả năng chi trả một lần. Chi phí học tại trường quốc tế khá cao nên khi vỡ nợ, bà không còn khả năng cáng đáng nên mong muốn được rút học bạ cho con học tại trường có học phí thấp hơn.
Bà cung cấp thêm các hình ảnh, thông tin và tin nhắn, cuộc gọi với giáo viên, đại diện nhà trường đề cập nguyện vọng được rút học bạ từ năm 2023 (khi A.H. chỉ 15 tuổi) và lần liên lạc gần đây nhất bắt đầu từ cuối tháng 4 khi A.H. chưa chạm mốc 16 tuổi.
"Tôi tha thiết mong nhà trường xem xét hoàn cảnh của gia đình, đặc biệt là nguyện vọng đi học của cháu A.H. khi cháu còn là trẻ em, chưa đủ 16 tuổi. Tôi vỡ nợ, phiêu bạt khắp nơi, công việc không ổn định.
Cách đây 2 tháng, tôi vừa xin được làm lễ tân với mức lương 7,5 triệu/tháng nên mới có cơ sở để đề xuất được trả một nửa học phí, mong muốn được rút học bạ cho con kịp học năm tới", bà Hiếu nói.
Bà nói thêm, thực tình, số tiền để nộp 50% khoản nợ học phí bà cũng chưa gom đủ nhưng chỉ cần nhà trường đồng ý thì gia đình sẽ tìm mọi cách.
"Tôi khó khăn không thể xoay xở thật chứ không ai vì mấy chục triệu đồng mà để con thất học 2 năm nay. Nếu lần này không kịp rút học bạ ra thì con tôi có nguy cơ không kịp đi học năm học tới. Là người mẹ, tôi đau xót vô cùng", bà Hiếu giãi bày.
Bà Trương Thị Tuyết, Chánh văn phòng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, cho biết bà đã tiếp nhận đơn kêu cứu của bé W.A.H. đề nghị hỗ trợ được rút học bạ để đi học. Bà cũng đã liên hệ để đề nghị được làm việc với Hiệu trưởng Trường Quốc tế Á Châu nhưng không được chấp thuận.
"Mẹ của bạn A.H. thừa nhận gia đình sai khi nợ học phí. Nhưng trong câu chuyện này cần xem xét tới yếu tố khi đề cập việc rút học bạ, A.H. dưới 16 tuổi. Không ai được tước đi quyền học tập của trẻ. Chúng tôi mong nhà trường và gia đình sẽ tìm được tiếng nói chung. Nhà trường cũng cân nhắc phương án hỗ trợ gia đình", bà Tuyết nói.
Được biết, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có buổi làm việc với gia đình W.A.H. vào chiều ngày 15/5 để nắm bắt khó khăn và có giải pháp hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh.
Điều 99 Luật Trẻ em 2016 cũng có quy định về bảo đảm quyền học tập của trẻ em:
1/ Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm gương mẫu về mọi mặt cho trẻ em noi theo; tự học để có kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
2/ Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn.
3/ Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em phát hiện, khuyến khích, bồi dưỡng, phát triển tài năng, năng khiếu của trẻ em.
4/ Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi.