“Vớt” thí sinh để xây dựng đẳng cấp quốc tế?

(Dân trí) - Đầu tư 400 triệu USD để xây dưng 4 trường đại học đẳng cấp quốc tế tại với mục tiêu lọt vào top 200 ĐH hàng đầu thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên với cách thức vận hành của trường đầu tiên thành lập khiến dư luận hoài nghi về tính khả thi này.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì trong điều kiện VN hiện nay, nguồn tài chính, nhân lực và cách thức quản lý chưa đảm bảo để xây dựng và phát triển một số trường ĐH hiện có thành trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Một giải pháp khả thi là kết hợp hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực hiện có của những trường ĐH, viện nghiên cứu có tiềm năng với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài để xây dựng trường ĐH mô hình mới, đào tạo chất lượng cao, tiến tới đẳng cấp quốc tế.

Với giải pháp này, VN có thể triển khai nhanh một mô hình đào tạo chất lượng cao và có được trường ĐH đẳng cấp quốc tế như mong muốn. Đồng thời những bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo, đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục ĐH.

Trước ý tưởng đó, vào năm 2008, Bộ GD-ĐT đã được Chính phủ phê duyệt xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Cũng trong năm đó trường đầu tiên thuộc lộ trình này ra đời đó là ĐH Việt - Đức. Ngay sau khi thành lập, trường ĐH Việt - Đức đã chính thức thông báo tuyển sinh.

Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH từng trả lời báo chí, mục tiêu của các trường không phải là thu học phí cao, tuy học phí có thể sẽ không ở mức như đào tạo ĐH đại trà...

Nói một cách đơn giản, đây là những trường ĐH dành cho sinh viên giỏi, tài năng, có năng lực và triển vọng trong nghiên cứu. Vì vậy, đối với sinh viên trong nước, năng lực của người học là yếu tố được ưu tiên hàng đầu chứ không phải khả năng chi trả.

Tuy nhiên khi nhìn lại phương thức tuyển sinh của ĐH Việt - Đức từ năm 2008 trở lại đây, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu nhà trường có thật sự lựa chọn được những thí sinh có trình độ theo học?

Nếu như năm 2008, trường thông báo xét tuyển từ những thí sinh tham dự kì thi ĐH khối A đạt từ mức 21 điểm trở lên thì năm 2009 đã có một sự “nhún mình” tương đối khi trường nhận hồ sơ xét tuyển đối với khối A, D1 ở mức từ 17 điểm trở lên. Tuy nhiên sự “xuống nước” này vẫn không giải quyết được việc trường tuyển không đủ chỉ tiêu.

Với tính tự chủ cao của mình, năm 2010 trường tiếp tục “gây sốc” với việc không cần nộp điểm thi ĐH vẫn được xét tuyển mà chỉ cần nộp điểm tổng kết 6 môn (Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh và Văn) của 3 năm cuối trung học và đậu kỳ thi tú tài và tham dự kỳ kiểm tra đầu vào của ĐH Việt-Đức bao gồm bài kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề và kiểm tra tiếng Anh.

Khi được chúng tôi chia sẻ những điều này, lãnh đạo trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Việc trường đưa ra hình thức thức tuyển sinh riêng không có gì đáng bàn. Tuy nhiên đã là trường đào tạo trình độ quốc tế thì bắt buộc phải có khâu tuyển chọn hết sức đặc biệt để những người thực sự có năng lực vào học chứ không phải ngay cả những thí sinh không đủ điểm sàn ĐH, CĐ cũng vẫn có thể vào trường”.

“Tôi không thể tin là khi bỏ mức điểm sàn mà trường lại nhận được thí sinh đầu vào chất lượng hơn”, lãnh đạo này nhấn mạnh.

Theo đánh giá của giới chuyên môn thì mục tiêu phấn đấu lọt vào top 200 ĐH hàng đầu thế giới vào năm 2020 đã là một điều quá sức tưởng tượng đối với nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên nếu không có sự quản lý và định hướng đúng đắn thì ngay cả mục đích tồn tại của các trường ĐH đẳng cấp quốc tế cũng đang bị “lệch đường ray”.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm