Việt Nam xếp vị trí 28/35 về chỉ số Giáo dục cho tương lai
(Dân trí) - Trong số 35 hệ thống giáo dục được đánh giá về độ hiệu quả, New Zealand xếp số 1 về chỉ số Giáo dục cho tương lai với 88,9 điểm (thang điểm 100). Việt Nam xếp vị trí 28 với 42 điểm. Với vị trí này, Việt Nam xếp hạng cao hơn Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Trung Quốc, Nigeria, Ai Cập, Indonesia và Iran.
Tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố chỉ số Giáo dục cho Tương lai Thế giới đánh giá hiệu quả của hệ thống giáo dục. Theo đó, có 35 nền kinh tế được đánh giá thông qua 16 chỉ số thuộc 3 môi trường gồm môi trường chính sách giáo dục, môi trường giảng dạy và môi trường kinh tế-xã hội.
Báo cáo này phân tích giáo dục ở lứa tuổi từ 15 đến 24, tập trung vào những yếu tố “đầu vào” như khoản chi của nhà nước cho giáo dục trung học, chất lượng đào tạo giáo viên…, và những yếu tố “đầu ra” như điểm thi, để đánh giá việc học sinh, sinh viên được chuẩn bị như thế nào để nắm được “những kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề và tư duy phê phán, và khả năng sống tốt trong một thế giới ngày càng số hóa và tự động”.
Thông qua việc đánh giá 3 môi trường chính sách giáo dục, môi trường giảng dạy và môi trường kinh tế-xã hội, thông thường những nước giàu và những nước nhỏ có thứ hạng cao nhất. Theo đó, năm nước xếp hạng cao nhất về chỉ số Giáo dục cho Tương lai Thế giới là New Zealand, Canada, Phần Lan, Thụy Sỹ và Singapore. Vương quốc Anh xếp thứ 6, Mỹ xếp thứ 12.
New Zealand cũng xếp vị trí cao nhất xét riêng về môi trường giảng dạy, tiêu chí này chiếm 50% trong điểm đánh giá tổng thể. Nước này cũng được điểm trọn vẹn về khung chương trình giảng dạy cho những kỹ năng tương lai, sự hiệu quả của hệ thống thực hiện chính sách, đào tạo giáo viên, khoản chi của nhà nước cho giáo dục, định hướng nghề nghiệp ở trường phổ thông, sự hợp tác giữa các trường đại học và ngành công nghiệp…
Theo đánh giá của EIU, có hai lý do khiến New Zealand được xếp hạng cao nhất.
Thứ nhất, New Zealand coi việc giáo dục cho kỹ năng tương lai là một điều thiết yếu phải được thực hiện một cách chiến lược: nước này nhỏ và xa xôi, và biết được rằng mình có ít lựa chọn ngoài việc phải trở nên cạnh tranh một cách toàn cầu.
Thứ hai, New Zealand có một hệ thống tiếp cận do nhà nước chỉ đạo một cách chiến lược để nền giáo dục phù hợp cho mục đích này thông qua công nghệ, sự giảng dạy, chương trình giảng dạy và sự hợp tác với các ngành công nghiệp.
Xuân Vũ
Theo Timeshighereducation