Việt Nam giành huy chương Vàng Olympic Thiên văn quốc tế
(Dân trí) - Tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế (IOAA) lần thứ 12, năm 2018 được tổ chức từ 2 - 12/11 tại Trung Quốc. Học sinh Việt Nam đoạt 4 huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.
Đội tuyển Việt Nam do học sinh Hà Nội đại diện tham dự IOAA lần thứ 3 với 5 học sinh trường THPT chuyên Amsterdams.
Trong đó, huy chương vàng thuộc về em Trần Xuân Tùng, lớp 12 lý 1; huy chương bạc thuộc về em Hồ Phi Dũng, lớp 11 lý 1; 2 học sinh giành huy chương đồng là Lê Trần Đạo, lớp 12 lý 1 và Nguyễn Tô Vĩnh, lớp 12 lý 1.
IOAA năm nay có 38 nước tham dự với 46 đội (37 nước có học sinh dự thi và 1 nước tham dự với vai trò quan sát viên). Đây là kỳ thi Olympic khoa học quốc tế thường niên dành cho học sinh trung học được tổ chức để ghi nhận vai trò to lớn của lĩnh vực Thiên văn học và Vật lý thiên văn trong đời sống, trong giáo dục thanh thiếu niên và tăng cường giao lưu quốc tế.
Tại kỳ thi IOAA lần thứ 10, năm 2016 tại Ấn Độ, năm đầu tiên tham dự, đội tuyển Hà Nội đại diện cho đội tuyển Việt Nam đã đạt thành tích 1 huy chương bạc và 4 giải khuyến khích.
Ở kỳ thi IOAA thứ 11, năm 2017 tại Thái Lan, đội tuyển Hà Nội tiếp tục đại diện cho đội tuyển Việt Nam giành được 2 huy chương bạc và 2 giải khuyến khích.
Được biết, Thiên văn và Vật lý Thiên văn quốc tế là kỳ thi Olympic Khoa học Quốc tế thường niên dành cho học sinh trung học được tổ chức để ghi nhận vai trò to lớn của lĩnh vực Thiên văn học và Vật lý thiên văn trong đời sống, trong giáo dục thanh thiếu niên và tăng cường giao lưu quốc tế.
Kỳ thi IOAA được điều hành bởi một Ủy ban quốc tế với các thành viên được bầu chọn từ các tổ chức khắp nơi trên thế giới. Trong đó, IOAA đầu tiên được tổ chức ở Chiang Mai, Thái Lan vào tháng 11 năm 2007.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, Thiên văn và Vật lý thiên văn là lĩnh vực hoàn toàn mới và khó đối với các giáo viên và học sinh Việt Nam vì không nằm trong chương trình Giáo dục phổ thông.
Việc tuyển chọn, xây dựng đội tuyển chủ yếu dựa vào các học sinh chuyên Vật lí và các học sinh say mê, yêu thích bộ môn này.
Bằng sự năng động và sáng tạo, các giáo viên phụ trách đội tuyển đã vượt khó tiếp cận với nguồn kiến thức của các chuyên gia hàng đầu về Thiên văn và Vật lí thiên văn từ đó xây dựng được hệ thống tài liệu có chất lượng, liên tục cập nhật để bồi dưỡng cho học sinh trong đội tuyển.
Dù điều kiện Kính thiên văn và Nhà chiếu hình còn rất thiếu ở Việt Nam, các học trò vẫn say mê khắc phục và vững tin ở những kĩ năng thực hành và xử lý số liệu.
Mỹ Hà