Việt Nam chi mỗi năm 3 tỷ USD cho du học
(Dân trí) - Số lượng học sinh Việt Nam ra nước ngoài học hàng năm có xu hướng ngày càng cao. Hiện nay có hơn 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD/năm. Mỗi năm Việt Nam chi khoảng gần 3 tỷ USD để có được nền đào tạo quốc tế.
Theo báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Nhóm Công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) cho rằng, việc hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam 10%-20% được phép đăng ký học tại các trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới là chưa hợp lý.
Theo đó, nhu cầu của học sinh Việt Nam được học tại trường quốc tế ngày càng tăng. Nếu Chính phủ không cho phép số học sinh này học tại Việt Nam thì các học sinh sẽ ra nước ngoài học.
Nhóm Công tác cho hay, thực tế, số lượng học sinh ra nước ngoài học hàng năm có xu hướng ngày càng cao. Hiện nay có hơn 110.000 học sinh du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD/năm.
“Có thể thấy, người Việt Nam mỗi năm “xuất khẩu” khoảng gần 3 tỷ USD để có được nền giáo dục quốc tế” – báo cáo của Nhóm công tác VBF nhận định.
Cũng theo Nhóm công tác VBF, với việc hạn chế tỷ lệ này thì Việt Nam sẽ không thể thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục tại các tỉnh ngoài Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Bởi tỉ lệ 10%-20% học sinh Việt Nam được phép học tại trường quốc tê được tính trên số lượng học sinh nước ngoài của trường.
Một số ý kiến cho rằng, nếu nhiều học sinh Việt Nam tham gia học trường quốc tế sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, Nhóm Công tác lập luận, nếu Chính phủ không cho phép số học sinh này học tại Việt Nam thì họ cũng sẽ ra nước ngoài học vì có nhu cầu. Và khi đã ra nước ngoài thì việc giữ gìn bản sắc dần tộc còn khó hơn.
Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, tỷ lệ năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 nằm trong những nước thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Cụ thể, thấp hơn 15 lần so với Singapore, 11 lần so với Nhật Bản và thấp hơn so với Hàn Quốc 10 lần.
Ngoài ra, một báo cáo khác cho thấy, mực dù có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực.
Do đó, theo Nhóm công tác, cơ hội cho Việt Nam là tăng cường các kỹ năng của lực lượng lao đông để nhanh chóng nâng cao năng suất, và giáo dục đào tạo hiệu quả là không thể thiếu cho mục tiêu này.
“Chất lượng giáo dục và đào tạo là vô cùng cần thiết để cung cấp một lực lượng lao động có tay nghề tốt, duy trì sự tăng trưởng của nền kinh tế” – nhóm Công tác VBF khẳng định.
Bích Diệp