Việt Nam cần đầu tư cho nghiên cứu cơ bản

(Dân trí) - “Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu cơ bản, vì những lợi ích lớn và lâu dài”, Giáo sư Jerome Isaac Friedman, người đoạt giải Nobel về Vật lý năm 1990 và là khách mời danh dự của IPhO 2008 trao đổi với giới báo chí.

Đây là lần thứ hai giáo sư đến Việt Nam, vậy giáo sư đánh giá thế nào về nền giáo dục nơi đây?

Đây là lần thứ hai tôi đến Việt Nam, lần thứ nhất là vào năm 1998. Mọi người có thể thấy rõ sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và kiến trúc. Việt Nam có nhiều công trình kiến trúc đẹp trên khắp đất nước. Ở mọi nơi, xe cộ nhiều hơn cũng phản ánh sự phát triển của kinh tế Việt Nam.

Việc đăng cải tổ chức Olympic Vật lý lần này cũng cho thấy Chính phủ Việt Nam coi trọng sự phát triển của khoa học và công nghệ. Chúng tôi tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam coi việc phát triển khoa học và công nghệ cũng quan trọng như sự phát triển kinh tế. Khoa học và công nghệ sẽ hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế.

Sinh viên Việt Nam đã và đang có những đóng góp lớn cho sự phát triển của khoa học và công nghệ trên thế giới cũng như sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Được biết giáo sư sẽ có buổi thuyết trình với các học sinh, sinh viên và các nhà khoa học vật lý tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Vậy tại buổi thuyết trình này giáo sư sẽ đề cập những gì?

Tôi sẽ nói ngắn gọn về lý do tại sao tôi lại chọn ngành vật lý, nhưng chủ đề cơ bản của buổi nói chuyện đó là xu hướng phát triển cơ bản của ngành vật lý trong thời gian sắp tới.

Có rất nhiều câu hỏi khó đặt ra trong ngành vật lý mà chúng ta cần phải có nhiều cuộc nghiên cứu thêm để lý giải. Tôi sẽ nói với các bạn sinh viên về một số câu hỏi đó và những gì mà chúng tôi chưa lý giải được.

Ngoài ra, tôi còn nói đến tầm quan trọng của ngành vật lý và những công việc mà chúng ta cần phải làm trong tương lai. Tôi sẽ nói với họ rằng vật lý là một lĩnh vực rất thú vị và tôi sẽ hướng các bạn học sinh theo ngành vật lý.

Ngày nay chúng ta cần rất nhiều giải pháp công nghệ để phục vụ cuộc sống, cần nhiều nghiên cứu để tạo ra những tiến bộ mới và cần nhiều những tiến bộ khoa học mới để giải quyết những vấn đề đang vướng mắc. Không chỉ Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới đều cần phải đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu cơ bản và cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển khoa học, trong đó có vật lý.

Như giáo sư đã biết, việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là khá tốn kém trong khi Việt Nam vẫn là nước thuộc diện nghèo. Vậy giáo sư có hiến kế gì không?

Về cơ bản, chúng ta không nên coi đây là một khoản chi phí mà chúng ta phải trả mà phải coi đây là một khoản đầu tư tài chính sẽ mang lại những ích lợi lớn.

Khi bạn xây một con đường tốt thì bạn sẽ tạo điều kiện cho những người nông dân mang hàng hóa đi tiêu thụ thuận tiện hơn và trong lĩnh nghiên cứu khoa học cũng vậy, khi bạn đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản thì những ngành khoa học này sẽ trở thành những công cụ mang lại cho bạn nhiều lợi ích.

Với những lý do này, theo tôi, kể cả các quốc gia nghèo cũng nên đầu tư vào nghiên cứu cơ bản. Chúng ta cũng cần đầu tư vào con người để có thể hiểu và lý giải những vấn đề đặt ra.

Giáo sư đã từng tham gia một công trình nghiên cứu nào đó ở Việt Nam hay chưa?

Tôi vẫn chưa có cơ hội được tham gia vào một nghiên cứu nào đó của Việt Nam, nhưng có nhiều nhà khoa học Việt Nam đã đến châu Âu để học hỏi về môn vật lý và tôi đã gặp gỡ họ. Họ đã tìm thấy những cơ hội mới ở châu Âu rồi sau đó quay trở lại Việt Nam để làm việc.

Việc quan trọng của Việt Nam là cần tập trung vào vấn đề đào tạo con người. Tôi lấy ví dụ Singapore là một nước nhỏ không có tài nguyên nhưng có tiềm lực kinh tế mạnh, vì họ đầu tư tốt cho giáo dục và coi trọng vai trò con người.

Giáo sư có lời khuyên gì dành cho giới trẻ Việt Nam hay không?

Các bạn trẻ Việt Nam đều rất thông minh do đó tôi nghĩ họ không cần lời khuyên của tôi. (cười)

 

GS Friedman (28/3/1930) là nhà Vật lý người Mỹ gốc Nga. Ông giành được học bổng toàn phần tại Khoa Vật Lý trường Đại học Chicago năm 1950, đỗ bằng Thạc Sĩ năm 1953 và trong khi cùng tham gia nghiên cứu với GS Enrico Fermi (1901 -1954), ông nhận được bằng Tiến Sĩ Vật Lý năm 1956.

 

Từ năm 1960 đến nay, ông tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Vật Lý, và là giám đốc Viện Nghiên Cứu Hạt Quark tại Học Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT), một học viện danh tiếng hàng đầu của Mỹ.

 

Trong hai năm 1968-1969, ông tiến hành thí nghiệm với Henry W. Kendall (Trung Tâm Stanford Linear Accelerator) và đã lần đầu tiên chứng minh được rằng các protons có cấu trúc nội tại (được biết như là hạt quarks).

 

Chính nhờ phát kiến vĩ đại này mà GS Friedman và GS Kendall đã được trao giải Nobel Vật Lý năm 1990.

 

Hiện nay ông cũng là thành viên của Hiệp hội Bảo trợ Bản tin các nhà khoa học nguyên tử.

 

(Nguồn: http://web.mit.edu/)

Nguyễn Hùng (ghi)