Việc làm cho sinh viên: Khó vì…

Thiếu trình độ ngoại ngữ và kỹ năng hòa nhập vào môi trường làm việc tại công ty - là nhận xét chung của nhiều các nhà tuyển dụng trong ngày hội việc làm cho sinh viên, tổ chức tại ĐH Bách khoa TPHCM.

Tại ngày hội việc làm, ngoài phần tuyển dụng trực tiếp, các doanh nghiệp đã có buổi giao lưu với các SV và tham gia chương trình hội thảo “Nhà trường và Doanh nghiệp” nhằm góp ý về chất lượng đào tạo và các kỹ năng khác của SV.

 

Khoảng cách giữa học đường và thực tế

 

Bà Võ Ngọc Mai - Trưởng phòng nhân sự Công ty S.Telecom Việt Nam cho biết trong năm 2005, công ty này có nhận 30 SV vào làm việc. Chất lượng chuyên môn của các bạn này khỏi phải bàn nhưng về kỹ năng làm việc, khả năng nói tiếng Anh thì còn rất thấp (chỉ 15% đạt yêu cầu).

 

Đại diện Công ty P&G còn cho rằng nhà trường cần cung cấp cho SV phương pháp luận sáng tạo, SV còn thiếu nhiều kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như khả năng lãnh đạo và hướng nghiệp cho SV ngay từ khi mới vào năm thứ nhất để họ làm đúng ngành nghề đã chọn, tránh lãng phí. Về chương trình đào tạo, cần có thêm các môn học như an toàn kỹ thuật (SV ngành Hóa thường xuyên phải tiếp xúc với các thiết bị cháy nổ), kỹ năng quản lý dự án (nhân viên phòng kỹ thuật, kỹ sư dự án rất cần kiến thức này).

 

Trả lời câu hỏi liệu các chương trình đào tạo của trường có đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp không, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó phòng tổ chức Công ty thăm dò và khai thác dầu khí (Petro Việt Nam) cho biết: hiện công ty Petro Việt Nam có hơn 80 kỹ sư do Trường Bách khoa đào tạo. các kỹ sư này đáp ứng hầu hết các yêu cầu của công ty. Do vậy mà ông Thanh đề nghị nhà trường không cần chạy theo yêu cầu của doanh nghiệp mà hãy tạo cho SV sự yêu nghề, có mục tiêu cuộc sống rõ ràng, có phẩm chất cá nhân tốt còn những kỹ năng khác thì doanh nghiệp phải tự đào tạo.

 

Ông Cao Hào Thi - Trưởng khoa Quản lý công nghiệp cho rằng: "Trong quản lý, chúng tôi cũng ý thức được rằng bên cạnh việc đào tạo kiến thức cho SV thì việc dạy cho họ có ý thức đạo đức nghề nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây là nền tảng để các em có thể đi xa hơn. Những lý do mà doanh nghiệp nêu đều xác đáng, tuy nhiên doanh nghiệp cũng thông cảm với nhà trường: quy mô đào tạo tăng nên có sự phân cách. Nhân đây, trường cũng đề nghị doanh nghiệp hãy hỗ trợ nơi thực tập, tham quan học tập, tham gia các buổi hội thảo chuyên đề cùng với SV". 

"Định vị" chương trình đào tạo

 

Góp ý về định hướng đào tạo của trường, đại diện Công ty Việt Software có ý kiến cho rằng nhà trường cần "định vị" lại chính chương trình đào tạo của mình, điều này sẽ giúp trường có thương hiệu không chỉ trong nước mà còn đối với quốc tế. Phải xem trường như là một doanh nghiệp còn SV là sản phẩm. "Sản phẩm" đó phải đáp ứng yêu cầu có đầy đủ kiến thức và khả năng Anh ngữ. Phải giúp cho SV khả năng tự học suốt đời. Nên đưa SV đi thực tế ngay từ năm thứ nhất, điều này sẽ giúp SV có khả năng thích ứng môi trường làm việc nhanh hơn cũng như có các kỹ năng thực hành tốt hơn mà không mất thời gian đào tạo lại.

 

Để tuyển dụng nhân viên, Công ty FPT chọn 3 yếu tố: kiến thức, kỹ năng và khả năng làm việc. Công ty này cũng đề nghị nhà trường nên tìm hiểu nhu cầu, những công nghệ mới của các doanh nghiệp để chuyển đổi chương trình đào tạo nhanh hơn.

 

 

Theo Thiên Long

Thanh Niên