Phương án xác định lại số năm học mỗi cấp:
Việc có lợi cho học sinh thì nên làm
(Dân trí) - Theo Nhà giáo ưu tú Phạm Huy Đức, phương án kéo dài chương trình THCS 5 năm, rút ngắn chương trình THPT xuống còn 2 năm là rất có lợi cho học sinh. Việc có lợi cho học sinh thì không nên ngần ngại chuyện tốn kém hay sửa các quy định hiện hành.
Sau khi phiên họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực đưa ra 2 phương án về xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông, PV Dân trí tại Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn với Nhà giáo ưu tú Phạm Huy Đức - nguyên Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An, nguyên Phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại. Là người có hơn 40 gắn bó với ngành giáo dục, ông là người hiểu và dám nói thẳng, nói thật về căn bệnh trầm kha của ngành này. Theo NGƯT Phạm Huy Đức, việc thay đổi có lợi cho học sinh thì nên làm.
Trở lại dự thảo về việc xác định lại số năm học của mỗi cấp trong giáo dục phổ thông với 2 phương án: tăng số năm học THCS từ 4 lên 5 năm, rút ngắn thời gian học THPT từ 3 xuống 2 năm và phương án giữ nguyên số năm học của các cấp học như hiện nay, NGƯT Phạm Huy Đức cho rằng: “Cá nhân tôi ủng hộ phương án kéo dài chương trình học THCS từ 4 lên 5 năm, rút ngắn chương trình THPT từ 3 xuống 2 năm. Về lợi ích của phương án này thì tôi xin phép không nhắc lại nữa vì trong dự thảo của phiên họp Hội đồng Quốc gia đã nói rất rõ. Theo tôi, việc thay đổi này hoàn toàn có lợi cho học sinh. Mà đã có lợi cho học sinh, cho thế hệ trẻ về lâu về dài thì rất nên làm. Không nên ngại ngần về vấn đề tốn kém, nếu cứ sợ tốn kém thì không bao giờ có thể đổi mới giáo dục được”.
Theo NGƯT Phạm Huy Đức, việc rút 1 năm ở THPT, tính trung bình cả nước sẽ giảm được 1 triệu học sinh, kéo theo dư giáo viên và phòng học. Tuy nhiên, hiện tại, ngành giáo dục đang hướng tới tổ chức học sinh THPT học 2 buổi/ngày đối với cấp học này. Số giáo viên, phòng học dôi dư sẽ đủ để thực hiện việc dạy học 2 buổi/ngày.
Đối với THCS, học 5 năm, sẽ có độ 1 triệu học sinh hiện đang học năm thứ 10 của THPT, tức là năm thứ 5 của THCS. Tính trung bình mỗi trường có 20 lớp, nếu học thêm 1 năm sẽ có thêm 4 lớp. Như vậy với 1 triệu học sinh của cả nước sẽ cần 30.000 phòng học. Nhưng nếu tính mỗi trường sẽ chỉ cần thêm 4 phòng học. Chúng ta chưa thực hiện việc thay đổi này ngay lập tức mà nếu triển khai trong năm tiếp theo (năm học 2015-2016) thì phải 4 năm nữa chúng ta mới có lớp học đầu tiên của hệ thống giáo dục THCS 5 năm. Như vậy, chúng ta có 4 năm để chuẩn bị. Tức là mỗi năm các trường chỉ phải xây mới 1 phòng học. Số tiền xây dựng thêm phòng học này sẽ được trích trong tiền xã hội hóa hàng năm của nhà trường cộng với ngân sách địa phương và ngân sách Nhà nước. Do vậy, vấn đề kinh phí xây dựng thêm trường, lớp sẽ không phải là vấn đề quá khó khăn, không thể thực hiện được.
Mặt khác, trong 4 năm đó, chúng ta đủ thời gian để đào tạo đội ngũ giáo viên để phục vụ cho việc tăng số năm học ở THCS. Tính riêng Nghệ An, cấp THCS hiện nay đang dôi dư 2.000 giáo viên trong biên chế và hợp đồng dài hạn, chưa tính đến số giáo viên hợp đồng ngắn hạn. Nếu tăng số năm học của THCS lên 5 năm, sẽ giải quyết được số giáo viên dôi dư hiện nay.
“Việc thực hiện chương trình học 5 năm đối với THCS, 2 năm đối với chương trình THPT không phải vì bất cứ lí do nào khác (như cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên) mà vì quyền lợi của học sinh. Việc gì có lợi cho học sinh thì nên làm. Tôi tin là làm được chứ không đến mức khó khăn như một số người lo lắng”, NGƯT Phạm Huy Đức khẳng định.
Về việc nếu thực hiện theo phương án này sẽ phải điều chỉnh lại Luật Giáo dục và cơ cấu lại các yếu tố trong hệ thống giáo dục, theo ông Phạm Huy Đức thì đây không phải là vấn đề quá khó khăn và hoàn toàn nằm trong tầm tay của các cơ quan Nhà nước. “Hệ thống giáo dục do Luật Giáo dục quy định. Luật do Quốc hội soạn thảo và ban hành. Thay đổi Luật vì quyền lợi của học trò thì đừng ngại. Luật không phù hợp với tình hình mới thì sửa Luật”.
Liên quan đến phương án đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo NGƯT Phạm Huy Đức, cần thiết phải giữ kỳ thi này để kiểm soát chất lượng đầu ra của giáo dục. Nếu không kiểm soát chất lượng giáo dục, cộng với bệnh thành tích đang diễn ra thì việc dạy và học sẽ không được thực hiện nghiêm túc. "Không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT mà phải thay đổi phương thức tổ chức thi, đảm bảo thi thật, kết quả thật. Nếu Bộ và các địa phương đồng quan điểm làm nghiêm túc, làm thật thì nên giao việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho Sở GD-ĐT các tỉnh thực hiện. Nếu Bộ và các địa phương chưa thống nhất được quan điểm thì nên giáo việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho các trường ĐH nhưng các trường ĐH đóng trên địa bàn nào thì không được tổ chức thi tốt nghiệp THPT ở địa phương đó", NGƯT Phạm Huy Đức nêu ý kiến
Hoàng Lam