Vì sao trí thức trẻ không thích trở về?
Mỗi năm hàng nghìn trí thức trẻ du học theo các con đường khác nhau và không ai trả lời được câu hỏi: Bao nhiêu người trong số họ sẵn lòng trở về với những khó khăn về lương bổng, cơ hội và điều kiện làm việc?
Tổng thu nhập của Nguyễn Hữu Hòa - giảng viên trẻ trường ĐH Xây dựng Hà Nội - lúc khởi nghiệp là 1,2 triệu đồng. Có những người bạn tốt đã cho người giảng viên trẻ thêm tiền để sống. Anh đã được nhận học bổng làm tiến sĩ ở Anh quốc. Đi hay ở? Không ít trí thức trẻ như anh trăn trở trước câu hỏi lớn này khi tốt nghiệp, vì đãi ngộ bọt bèo như người ta thường nói, hay vì điều gì khác...?
Trong 4 năm ở lại trường, Nguyễn Hữu Hòa tham gia 5-6 công trình cấp Bộ, vài ba công trình cấp trường và tham gia viết vài ba cuốn sách, mỗi ngày chỉ ngủ 3-4 giờ và phải hy sinh việc kết giao bạn bè, yêu đương, thăm thú... Đó là tâm sự của Hữu Hòa về cuộc sống của anh trước ngày 1/10/2010, khi anh bắt đầu rời Việt Nam sang học tiến sĩ ở Anh.
Nguyễn Hữu Hòa nói khá nhiều về môi trường học tập nghiên cứu của nước bạn. Đó là môi trường làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và rất mở, tạo nên tính chủ động cho người học.
Các bạn cùng làm nghề như Hòa ở Anh không phải lo cơm áo gạo tiền - chỉ cần làm nghiên cứu viên sau tiến sĩ đã được nhận mức lương hơn 2.000 bảng/tháng (hơn 60 triệu đồng).
Theo Hữu Hòa, nhiều trí thức du học thường có tâm lý chung là muốn ở lại để có thêm thời gian học tập, điều kiện nghiên cứu, bay nhảy... Những người muốn về rất có thể đã nhắm vào vị trí nào đó.
Theo Hòa, ngoài băn khoăn về lương bổng đãi ngộ và câu hỏi lơ lửng “về nước lấy gì nuôi vợ con”, nỗi lo lớn nhất của trí thức trẻ là sự nghiệp.
Anh tâm sự: Ở nước ngoài, người ta không coi trọng vấn đề ai già, ai trẻ; một điều người ta quan tâm nhất là anh có giỏi không và tạo điều kiện cho anh phát triển. Về nước, văn hóa “sống lâu lên lão làng” đã khiến những người trẻ, nếu muốn nhận đề tài còn phải nhìn trên nhìn dưới; và, điều này triệt tiêu tính chủ động, sáng tạo. Hầu hết trí thức trẻ như anh mong muốn một môi trường thông thoáng để có cơ hội phát triển chuyên môn.
Người trí thức trẻ này rất hiểu lương bổng không thể là thứ người ta có thể làm riêng cho đối tượng nào vì còn phụ thuộc vào chế độ tiền lương chung. Anh nói: Điều quan trọng là giới trẻ muốn được tạo điều kiện để kết hợp chuyên môn vào sản xuất ứng dụng, đưa khoa học vào thực tế để trí thức trẻ có thể vừa kiếm tiền vừa nghiên cứu và vừa có ích cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Vậy là, cơ chế mở: Du học xong có thể ở lại nước ngoài 3 năm để trải nghiệm và học hỏi đã bật tung cánh cửa cho không ít người ở lại.
Một giảng viên khác, thầy Phạm Văn Quốc, tiến sĩ Toán học. Thầy Quốc tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường làm giảng viên, bỏ qua bậc thạc sĩ, làm tiến sĩ tại Nhật Bản, đã công tác tại Trường THPT chuyên ĐHKH Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) hơn 10 năm vẫn phải thuê nhà.
Thầy Quốc đã lập gia đình và có 2 người con. Tổng thu nhập của thầy một tháng là 5 triệu đồng; tiền thuê nhà mỗi tháng hết 7 triệu đồng. Để đủ sống, thầy dạy và... dạy. Trước câu hỏi nghiên cứu khoa học, thầy nói: Nếu có điều kiện nghiên cứu liền mạch thì mới có thể phát triển; nếu không, việc nghiên cứu là rất khó. Thầy cho biết, không ít người chuyển ngành để có điều kiện làm kinh tế.
Một cô giáo khác, Phí Thị Phương Thảo (ĐH Mỏ địa chất Hà Nội) mỗi năm dạy 280 giờ tính theo lương; ngoài con số 280, mỗi giờ giảng cô được trả 51.700 đồng; cả năm vượt hơn 200 giờ cô được lĩnh 12 triệu đồng. Với lương 5-6 triệu đồng/tháng, cô Phương Thảo vẫn yên tâm với nghề dạy học vì có cơ hội phát triển học vấn. Vì vậy, cô cũng đang tìm cơ hội học tập ở nước ngoài.
Mỗi năm hàng nghìn trí thức trẻ đi du học theo các con đường khác nhau và không ai trả lời được câu hỏi: Bao nhiêu người trong số họ sẵn lòng trở về với những khó khăn về lương bổng, cơ hội và điều kiện làm việc như đã nói ở trên.