Vì sao không nên đặt ra quá nhiều phương thức xét tuyển đại học?
(Dân trí) - Theo PGS Điền, việc đa dạng hóa quá nhiều phương thức xét tuyển đại học sẽ gây nhiều khó khăn cho thí sinh và cũng khiến các trường "tự làm khó mình".
Bộ GD&ĐT mới đây cho biết sẽ yêu cầu các trường hoàn thiện phương thức tuyển sinh cho năm 2023 theo hướng đơn giản hóa, giảm thiểu nhầm lẫn và khó khăn có thể gây ra cho thí sinh.
Là một người có kinh nghiệm làm công tác tuyển sinh nhiều năm, trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bày tỏ quan điểm đồng tình với quyết định này của Bộ GD&ĐT.
Ông phân tích, vấn đề đa dạng hóa phương thức xét tuyển thực tế chỉ có 3 phương thức chính, ngoài phương thức xét tuyển thẳng đối với thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế.
Thứ nhất là xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi (bao gồm kỳ thi tốt nghiệp THPT; kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM; kỳ thi Đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhóm trường an ninh).
Phương thức thứ hai dựa trên việc xét hồ sơ năng lực, trong đó một số trường chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học tập phổ thông.
Phương thức thứ ba là xét tuyển kết hợp (kết hợp các tiêu chí điểm thi, chứng chỉ, kết quả học tập phổ thông…).
PGS Điền nhận định, chính phương thức xét tuyển kết hợp đã gây ra một số vấn đề có thể khiến thí sinh nhầm lẫn, gặp khó khăn.
"Việc các trường đặt ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau là để tránh tình trạng "trứng để hết vào một giỏ". Tất nhiên, việc này chỉ giúp tạo cảm giác yên tâm, vì những phương thức đó mang tính vụn vặt nhiều hơn, thực tế có rất ít thí sinh đáp ứng", PGS Điền nói.
Ông nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã rất đúng khi yêu cầu các trường xem xét lại tất cả phương thức sau khi có kết quả tuyển sinh năm 2022, thống kê từng phương thức tuyển được bao nhiêu thí sinh, số này chiếm bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu và có đáng làm hay không.
"Việc đa dạng hóa quá nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây ra sự rối trí cho thí sinh, cũng không có lợi cho các trường trong tuyển sinh", PGS Điền nói.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền đánh giá, năm 2022 là năm Bộ GD&ĐT có một số chính sách mới, chủ yếu là điều chỉnh về mặt kỹ thuật để quá trình tuyển sinh diễn ra trật tự, giúp thí sinh dễ dàng lựa chọn ngành học, trường học cũng như đảm bảo quyền lợi của thí sinh tốt hơn. Tuy nhiên, bất kỳ sự thay đổi chính sách nào cũng gây ra một số khó khăn ban đầu khi tổ chức thực hiện, đặc biệt là khó khăn về hệ thống.
Theo đó, những năm trước, thí sinh đăng ký xét tuyển 2 lần, một lần sơ bộ vào tháng 4 và một lần vào tháng 7 sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này giúp san sẻ tài nguyên của hệ thống và thông thường, thí sinh nếu điều chỉnh nguyện vọng cũng chỉ là những điều chỉnh nhỏ.
Năm nay, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh đăng ký một lần và trong một thời gian nhất định. Hệ quả là dù Bộ đã rất cẩn thận kéo dài thời gian đăng ký, nhưng thói quen "luôn dồn đăng ký vào những ngày cuối cùng" của thí sinh đã gây áp lực lên hệ thống. Đây là vấn đề thách thức về mặt kỹ thuật.
Thứ hai, việc tổ chức đóng lệ phí đăng ký xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung, cụ thể là Cổng dịch vụ công quốc gia cũng là một thách thức kỹ thuật đối với không chỉ riêng những người làm chuyên môn về hệ thống, mà còn với cả thí sinh cùng gia đình. Nhiều gia đình không có tài khoản ngân hàng, chưa từng sử dụng phương thức chuyển tiền hay thanh toán điện tử.
"Tuy nhiên, xét về tổng thể, theo tôi, đây là một kỳ tuyển sinh diễn ra an toàn và ổn định, đáp ứng được yêu cầu của các bên là các trường, thí sinh và xã hội. Tôi hy vọng rằng trong năm 2023, một số vấn đề khó khăn nói trên sẽ được giải quyết triệt để", PGS Điền cho hay.
Trong báo cáo mới đây gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, Bộ GD&ĐT cho biết công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá trình xét tuyển.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, thực hiện nâng cấp, bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm; nâng cấp đường truyền hệ thống; tăng cường các giải pháp để kiểm tra thông tin thí sinh nhập lên hệ thống. Từ đó, giúp giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn có tính logic.
Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển để loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các trường không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022. Thay vào đó, tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT - tuyển sinh đợt 1.