Vào đại học bằng đôi chân của mẹ

(Dân trí) - Buổi đón tân sinh viên nhập học tại ĐH KHXH&NV Hà Nội vào sáng 5/9 rất tất bật, nhưng ai cũng để ý đến hình ảnh cậu sinh viên bám lấy tay mẹ, nhấp nhểnh từng bước vào tận phòng làm thủ tục.

Đó là cậu tân sinh viên “đặc biệt” của khoa Thông tin Thư viện, Nguyễn Hà Hải và người mẹ, cô Nguyễn Thị Tâm quê ở thôn Chợ, xã An Bình, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Kỳ tích của mẹ và con

Hải lớn lên chưa một lần nhìn thấy bố, với em lúc đó điều này chưa phải là thiếu hụt lớn nhất vì em đang thắc mắc tại sao mình không thể không thể tự bước như các bạn. Thấy mẹ lắc đầu rồi khóc, nên Hải không hỏi nữa. Lớn hơn một chút, em biết thêm một nỗi thiệt thòi: “Mình là đứa trẻ không có bố”. 

Biết nỗi đau của mẹ, Hải tự an ủi mình: “Chỉ cần có mẹ là đủ rồi!”. Đến tuổi đến trường, Hải được đi học vì bà ngoại em nói: “Mình có thể ngồi một chỗ nhưng ít nhất cũng phải biết đọc”.

Lên cấp 3, trường học cách nhà gần 5 cây số, Hải xin nghỉ học nhưng mẹ em nhất quyết không chịu. Thế là hàng ngày, trên chiếc xe lăn, người mẹ đã có tuổi lại đẩy xe đưa con đến trường.

Cơ thể Hải bị teo nhỏ, trong lượng chỉ hơn 30kg nhưng với người phụ có sức khỏe kém như cô Tâm quả là một gánh nặng. Từ 6 giờ sáng, cô đã dậy đẩy con đến trường cho kịp giờ học, rồi ngồi chờ trước cổng trường hết giờ tan học. Có những ngày Hải học hai buổi, cô Tâm lại đẩy con đi về hai lần như thế.

Vào đại học bằng đôi chân của mẹ - 1

Số phận khắc nghiệt với hai mẹ con Hải, nhưng chưa một lần họ bỏ cuộc.

Nhiều hôm, cô Tâm mệt rã rời nhưng hai tay vẫn bám chặt vào thành chiếc xe lăn không dám thả vì sợ mình sẽ mình sẽ gục ngã. Tối về cô mệt rã người nhưng vẫn phải gượng dậy để chuẩn bị nấu ăn cho con, rồi còn lo cho mấy con lợn và đàn gà. Biết mẹ không dám nghỉ kể cả khi mệt nên nhiều hôm Hải phải nói dối mẹ là mình mệt không đi học nhưng thật ra là để mẹ được nghỉ.

Hải chỉ đứng được vài phút, chẳng thể làm được việc gì giúp mẹ, em chỉ còn cách phải học thật giỏi. Không hài lòng với thành thích học sinh tiên tiến của mình vì em nghĩ đó là “món quà động viên” của thầy cô, nên em mới quyết định thi đại học để “thử sức”.

Thi đỗ vào trường ĐH KHXH&NV Hà Nội thừa một điểm, Hải mới tin rằng mình không hề kém cỏi. Em chia sẻ: “Trước khi đi thi em đã quyết tâm phải đỗ, em phải thi cho cả mẹ. Kết quả đó có sự hy sinh của mẹ nhiều hơn”.

Con ở đâu m ở đấy
 
Thi đỗ nhưng Hải không nghĩ mình sẽ đi học, một lần nữa mẹ em lại vực con trai đứng dậy: “Mẹ còn đi được thì con còn có thể đến trường”. Thế rồi hai mẹ con khăn gói lên Hà Nội với đồng lương hưu của cô Tâm đúng một triệu đồng/tháng.
 
Vào đại học bằng đôi chân của mẹ - 2

"Mẹ còn đi được thì con còn có thể đến trường".

Nhìn cô Tâm không ai nghĩ cô mới ngoài 50 tuổi, đầu bạc trắng, nét mặt khắc rõ những khổ đau, vất vả mà người phụ nữ này đã trải qua. Điều cô Tâm lo lắng nhất là chỗ ở: “Em nó được ở ký túc xá, nhưng còn mẹ, mẹ không thể không có con mà con cũng chẳng thế sống thiếu mẹ. Tôi đã trình bày hoàn cảnh để xin được ở cùng con, chẳng biết có được không”.

Mấy hôm nay, cô Tâm đã đi bộ khắp nơi tìm phòng trọ nhưng vẫn chưa chưa được. Đã đến nhập học nhưng con đường đến giảng đường của hai mẹ con còn quá gian nan.

Hải nói buồn rười rượi: “Sinh ra là em đã phải bám vào cánh tay của mẹ. Em mong mình chóng ra trường, kiếm được việc để mẹ yên lòng”.

Nhập học xong, hai mẹ con Hải đứng dậy nhấc từng bước đi nặng nhọc ra về. Nhìn cảnh đó, ai cũng cầu mong mẹ con họ sẽ vượt qua chặng đường dài phía trước.

Bài và ảnh: Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm