Đắk Nông:
Vàng Thị Chim -cô giáo đầu tiên đến dạy tại "cụm dân cư 8 không" Đắk R'Măng
(Dân trí) - Những ngày đầu vào dạy tại "cụm dân cư 8 không" ở xã Đắk R'măng, huyện Đắk G'Long, cô giáo Vàng Thị Chim phải nhờ anh trai chở đi vì đường lầy lội, trơn trượt, hai bên đều là vực thẳm.
Gắn bó với điểm trường vì sợ trẻ thất học
Xã Đắk R'Măng là một xã khó khăn của tỉnh Đắk Nông, là nơi sinh sống của hàng ngàn người Mông, di cư từ phía Bắc vào gần 20 năm nay.
Nằm khuất sau rẫy cà phê của người dân là căn nhà nhỏ của cô Vàng Thị Chim (SN 1993, giáo viên trường Tiểu học La Văn Cầu, xã Đắk R'măng, huyện Đắk G'Long). Căn nhà mới chỉ được dựng cách đây hơn 1 tháng, chưa có cửa nên vẫn còn che chắn tạm bằng tấm bạt lớn.
Từ 4h sáng, trong cái lạnh của vùng cao Tây Nguyên, cô Chim đã thức dậy chuẩn bị bữa sáng cho hai mẹ con để kịp lên đường vào điểm trường cụm 8. Hơn 2 tháng nay, cô Chim được nhận vào dạy hợp đồng tại trường La Văn Cầu, trở thành nữ giáo viên đầu tiên đến dạy tại điểm trường "cụm dân cư 8 không" sau 20 năm mong mỏi của người dân địa phương.
Sức nóng của bếp củi không đủ xua đi cái giá lạnh của vùng đồi núi, cô Chim ôm con vào lòng để ủ ấm trong lúc đun nước pha mì tôm, ăn sáng. Nữ giáo viên tâm sự, chồng cô đi vào rừng hái mây bán. Mỗi tuần về nhà một lần, ở nhà chỉ còn một mẹ, một con.
Những ngày trong tuần, cô Chim bắt đầu rời nhà từ 5h sáng để vượt gần 20km đường rừng để vào cụm dân cư số 8. Cậu con trai mới hơn 2 tuổi của cô được gửi qua nhà ngoại, đến cuối ngày mới đón về.
"Nếu hôm nào ông bà ngoại bận quá, mình địu con vào điểm trường luôn. Những ngày đầu tháng 9, có hôm hai mẹ con phải ngủ lại trong điểm trường vì mưa quá, không ra được. Vì công việc nên phải chấp nhận vậy", cô Chim chia sẻ.
Nữ giáo viên tâm sự thật lòng, con đường dẫn vào điểm trường không phải ai cũng đi được. Những ngày đầu vào dạy tại "cụm dân cư 8 không" (không điện, không đường, không trường, không trạm, không nước sạch, không sóng điện thoại, không sổ hộ khẩu và không khai sinh), cô Chim phải nhờ anh trai chở đi vì đường lầy lội, trơn trượt, hai bên đều là vực thẳm.
"Đường đất, nếu xe máy mà không được gắn xích thì không thể đi được. Nhiều đoạn mình phải xuống đi bộ để anh trai đi xe máy một mình. Chỉ có hơn 6km nhưng đi mất gần 1 tiếng đồng hồ. Ngày đầu tiên đi làm, mình cũng tính xin nghỉ rồi", cô Chim kể.
Theo cô Chim, lý do khiến cô gắn bó với nơi khó khăn ấy, một phần vì công việc, một phần vì thương những đứa trẻ của đồng bào mình. "Nếu mình không vào đó dạy, hàng chục đứa trẻ sẽ không được đến trường. Người dân vào đây sinh sống gần 20 năm, học sinh đến tuổi phải đi ở trọ hoặc sang xã khác học nhờ. Vì đường đi lại khó khăn, cuộc sống trọ học vất vả nên các em bỏ học rất nhiều".
Ước mơ trở thành cô giáo từ khi học lớp 6
Nói về cơ duyên đưa mình đến bục giảng, cô Chim kể rằng, gia đình đông con lại ít đất sản xuất nên bố mẹ muốn cô nghỉ học để lập gia đình từ năm lớp 9. Thế nhưng, khi ấy cô đã cương quyết từ chối, xin bố mẹ cho học tiếp THPT.
Tốt nghiệp THPT, cô Chim lại bị bố mẹ thúc giục chuyện lấy chồng vì theo quan niệm của người Mông, con gái 16-17 tuổi đã đến tuổi lập gia đình.
"Bố mẹ mình có 9 người con, chỉ có mình là con gái nên suốt ngày giục mình lập gia đình. Nhưng mình bảo không, mình phải đi học để biết chữ, để tìm cách thoát nghèo", cô Chim kể lại.
Cô Chim trở thành sinh viên, là một trong những cô gái đầu tiên của bản Mông này bước lên thành phố để đi học. 4 năm, cô tự bươn chải để có kinh phí học tập vì số tiền hàng tháng mà gia đình chu cấp chỉ đủ để ăn uống hàng ngày.
"Động lực duy nhất khiến mình kiên trì bám trụ để học xong đại học là vì những đứa trẻ nơi mình sinh ra, nhất là những bé gái sẽ sớm được bố mẹ gả đi lấy chồng nếu không tiếp tục đi học. Ước mơ trở thành cô giáo nhen nhóm trong mình từ năm mình học lớp 6, sau đó lớn dần qua các năm. Mình càng quyết tâm học thật tốt để không bị bố mẹ bắt lấy chồng sớm", cô Chim tâm sự.
Năm 2016, cô Chim tốt nghiệp đại học chuyên ngành Giáo dục tiểu học, Đại học Tây Nguyên và trở thành nữ giáo viên Mông duy nhất tại xã Đắk R'măng. Nhưng thời điểm đó, dù ngành Giáo dục liên tục thiếu giáo viên song cô Chim vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng thời vụ do không có chỉ tiêu biên chế.
Đến năm 2019, cô Chim phải nghỉ dạy vì trường không được hợp đồng với giáo viên đứng lớp nữa.
"Con đường đứng trên bục giảng của mình cũng gian nan như con đường mình đi học. Dù chưa chính thức là giáo viên, nhưng mình vẫn tự hào về quyết định của mình, trở thành một cô giáo Mông, trở về dạy cho những đứa trẻ nơi mình sinh ra", cô Chim nói.
Năm học 2020- 2021, báo Dân trí phối hợp với nhà tài trợ khánh thành và đưa vào sử dụng điểm trường Khuyến học và Dân trí đầu tiên tại Tây Nguyên - điểm trường Tiểu học La Văn Cầu tại cụm 8. Cô Chim tiếp tục được ký hợp đồng để đứng lớp tại điểm trường này.
100% học sinh tại điểm trường này đều là người Mông, thế nhưng do nhiều em chưa được học mầm non nên không biết tiếng Kinh, trong quá trình dạy học, cô Chim phải sử dụng chính ngôn ngữ của đồng bào mình để giảng dạy. Điểm trường cũng chưa có điện lưới quốc gia nên mỗi ngày đi dạy, cô đều mang theo một ổ bánh mì để ăn trưa.
"Được đi dạy, mình vẫn cảm thấy may mắn hơn rất nhiều người. Chính vì thế, bao nhiêu khó khăn trên con đường đến lớp, mình đều quen hết rồi. Chỉ mong sao, học trò ở đây được đến lớp mỗi ngày, mình cũng có sức khỏe tốt để đến lớp", cô Chim chia sẻ trước khi bước vào lớp dạy học.