Tổng kết năm học giáo dục tiểu học:
Vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan ở bậc tiểu học
(Dân trí) - Một số nơi vẫn còn có tình trạng trạng khen thưởng tràn lan, khen không đúng đối tượng hoặc không đúng nội dung khen; có nơi còn làm “biến tướng” giấy khen... đối với học sinh tiểu học.
Đó là một trong những nội dung trong báo cáo tổng kết năm học 2016 - 2017, phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 của giáo dục tiểu học của Bộ GD-ĐT.
Việc khen thưởng còn gây phản ứng
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, các trường tiểu học đã thực hiện nghiêm túc quy định về đánh giá học sinh theo Thông tư 22. Việc đánh giá học sinh tiểu tạo được sự đồng thuận trong xã hội; giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên để giáo viên dành nhiều thời gian nghiên cứu bài dạy, thực hiện đổi mới phương pháp và quan tâm đến từng đối tượng học sinh, giúp cho việc tổ chức dạy học nhẹ nhàng, thiết thực, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc khen thưởng học sinh cuối năm ở một số cơ sở giáo dục thực hiện chưa đúng với quy định của Thông tư. Vẫn còn xảy ra tình trạng khen tràn lan, khen không đúng đối tượng hoặc không đúng nội dung khen; có nơi còn làm “biến tướng” Giấy khen dẫn đến những phản ứng không đáng có của học sinh, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.
Tình trạng “làm đẹp bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp”, “làm đẹp Học bạ của học sinh” vẫn còn diễn ra ở một số cơ sở giáo dục.
Gần 4.400 trường tiểu học thực hiện mô hình trường học mới VNEN
Theo báo cáo của Bộ, năm học 2016 - 2017, cả nước có 4.393 trường tiểu học (tỉ lệ 29,2%) với 1.542.863 học sinh (tỉ lệ 19,8%) thực hiện theo mô hình trường học mới.
Nhiều địa phương đã vận dụng các thành tố tích cực của mô hình trường học mới (VNEN) trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo các điều kiện để đạt hiệu quả thiết thực vì quyền lợi của học sinh. Một số tỉnh thực hiện tốt mô hình trường học mới như: Lào Cai, Điện Biên, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cần Thơ, Kon Tum...
Bên cạnh đó, trong năm học vừa qua, việc triển khai mô hình trường học mới vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số địa phương chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất, nhất là công tác tập huấn giáo viên chưa đảm bảo chất lượng, giáo viên chưa thật sự sẵn sàng và đồng thuận nên kết quả chưa đạt được như mong muốn.
Theo Bộ GD-ĐT, công tác truyền thông chưa tốt cũng là một trong những nguyên nhân làm cho phụ huynh học sinh, dư luận xã hội và ngay cả một số cán bộ quản lý và giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về mô hình trường học mới. Thời gian gần đây dư luận xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều gây bất lợi, làm cho nhiều người hoài nghi về kết quả đạt được của mô hình trường học mới.
Về nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cho năm học mới 2017-2018, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ, Tin học, đặc biệt là tiếng Anh. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới công tác quản lí giáo dục.
Được biết, năm học 2016-2017, cả nước có 63,7% học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được học tiếng Anh; riêng học sinh các lớp 3, 4, 5 được học tiếng Anh đạt 86,6%, trong đó tỉ lệ học sinh được học 4 tiết/tuần đạt 50,1% và trên 4 tiết/tuần đạt 3,6%. Một số địa phương đã tổ chức cho 100% học sinh được học tiếng Anh ở các lớp 3, 4, 5 như: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương.
Trong báo cáo phần nhiệm vụ năm học mới bậc tiểu học của Bộ không thấy nội dung về nhiệm vụ, kế hoạch triển khai mô hình trường học mới VNEN.
Hoài Nam