Vẫn chưa bịt được kẽ hở ở các trung tâm ngoại ngữ, tin học...

Sự việc Trường Anh ngữ quốc tế E.A.C (thuộc Công ty TNHH Tư vấn giáo dục Tân Thiên Niên Kỷ E.A.C) đóng cửa và chưa giải quyết học phí của học viên đang làm đông đảo bạn đọc quan tâm. Nhiều người đã đặt vấn đề làm sao phân biệt được sự thật - giả của các trung tâm...

... các cơ sở dạy ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng văn hóa trên địa bàn TP? Và khi có sự cố xảy ra, ai sẽ là người bảo vệ quyền lợi học viên?

 

Theo ông Nguyễn Văn Cương - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, đơn vị có chức năng cấp phép hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên, thì: "Tính đến tháng 3/2005, trên địa bàn TP, Sở GD-ĐT quản lý 277 cơ sở và những cơ sở này phải đảm bảo đạt những yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân sự, chương trình, tài liệu giảng dạy...

 

Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cũng cấp giấy phép kinh doanh cho một số công ty xin chức năng dạy ngoại ngữ, dạy tin học... Tuy nhiên, muốn hoạt động một cách hợp pháp, vì liên quan đến giáo dục nên những công ty này phải được sự cho phép của Sở GD-ĐT. Về việc này, Sở GD-ĐT đã có văn bản gửi Sở KH-ĐT, các trường ĐH, các quận, huyện phối hợp và hướng dẫn nhưng một số công ty vẫn cố tình né tránh.

 

"Về trường hợp Công ty TNHH Tư vấn giáo dục Tân Thiên Niên Kỷ E.A.C, Sở GD-ĐT đã từng có công văn gửi đến Sở KH-ĐT, từng báo cáo UBND thành phố, sau đó đưa về cấp cơ sở là Q.1 và đã 3 lần mời lên làm việc nhưng E.A.C vẫn cố tình không thực hiện việc xin cấp phép hoạt động. Ngoài ra còn một số cơ sở trưng biển trường ngoại ngữ tin học như Hoàn Mỹ (Lê Thị Riêng, Q.1)... vẫn mặc nhiên hoạt động.

 

Đây chưa phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất mà Sở GD - ĐT cảnh báo vì thực tế có rất nhiều "đường" để xin giấy phép mở trường, mở lớp như từ ngành kế hoạch - đầu tư, ngành lao động - thương binh và xã hội và ngành giáo dục. Chúng tôi không chủ trương cách làm chỉ độc quyền một ngành nào đó được cấp phép vì như thế là đi trái với lộ trình hội nhập để phát triển. Vấn đề đặt ra là "hậu kiểm" như thế nào?

 

Thời gian trước, do không có quy định hay văn bản nào quy định việc xử phạt những đơn vị hoạt động trái phép nên Sở GD-ĐT chỉ đề nghị các ban, ngành phối hợp chặt chẽ và yêu cầu các tổ chức hay cá nhân muốn hoạt động phải tự ý thức về giấy phép và mức độ xử lý chỉ dừng lại ở rút giấy phép hoạt động.

 

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2005 về xử phạt hành chính những tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế... Nhưng, mức phạt nhẹ nên chẳng khác nào "phủi bụi", họ nhanh chân đóng ngay 10 triệu đồng tiền phạt theo xử lý của phòng kinh tế để rồi "cao chạy xa bay".

 

Một ví dụ khác mà chúng tôi dẫn ra ở đây sẽ minh chứng thêm sự lúng túng trong quản lý hoạt động đào tạo. Đó là tình trạng "nhiều sãi không ai đóng cửa chùa" đối với các trường có cơ sở hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau. Một trường phổ thông tư thục hoặc dân lập - theo phân cấp sẽ do UBND quận, huyện cấp phép. Sau đó, họ mở thêm chi nhánh tại các quận huyện khác thì rắc rối phát sinh ngay.

 

Trưởng phòng GD - ĐT của một quận cho biết: "Có trường mở chi nhánh với quy mô hơn cả một trường loại lớn của chúng tôi. Về chuyên môn, không có cơ chế nào quản lý được họ vì chủ quản của họ ở quận khác!".

 

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn nhưng rõ ràng các ban ngành và bộ máy công quyền của ta chưa theo kịp để có một bộ máy quản lý đồng bộ và hiệu quả. Sở GD-ĐT đã và sẽ tổ chức đợt thanh tra các cơ sở hoạt động trên địa bàn thành phố. Thiết nghĩ, việc gấp rút hoàn thành các khâu để chính thức công bố danh sách các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động trên website: www.hcm.edu.vn. là hết sức cần thiết.

 

Theo Thanh Niên