Ươm mầm cho những ước mơ

(Dân trí) - Theo chân Hội Khuyến học một ngày về Vĩnh Thạnh tôi mới thấu rõ cái tình của những người làm khuyến học. Huyện Vĩnh Thạnh cách TP Cần Thơ khoảng 60km, đường sá khó đi nhưng các cô, các chú trong Hội ai cũng vui vẻ, náo nức về thăm và phát học bổng cho các em học sinh nghèo học giỏi.

Vĩnh Thạnh là một huyện nghèo của TP Cần Thơ nhưng người dân hiếu học, toàn huyện có 6 tiến sĩ, 20 thạc sĩ và cả ngàn người tốt nghiệp đại học. Ở ấp nghèo F1 xã Thạnh An có 4 tiến sỹ, 105 cử nhân đại học và cao đẳng đã thành đạt trong nhiều lĩnh vực và nó đang là điểm sáng của TP Cần Thơ và cả ĐBSCL. Các phong trào ngày càng được nhân rộng. Huyện có 3 hội khuyến học cơ sở với 400 hội viên. Hiện giờ toàn huyện có 143 tổ chức khuyến học với tổng số hội viên đạt 7,49% dân số.

 

Hiểu đó không chỉ là kết quả của một phong trào, hơn thế đó còn là niềm vui, tâm huyết của những con người luôn vì sự nghiệp khuyến học - khuyến tài.

 

Từ thành quả của huyện Vĩnh Thạnh có thể nhân rộng ra. Toàn TP Cần Thơ 6 tháng đầu năm 2007 đã thành lập mới thêm 150 tổ chức hội nâng tổng số tổ chức hội lên 2604 trong đó có 503 chi hội khu vực ấp chiếm 95,6% số ấp trong thành phố phát triển được 216 gia đình hiếu học (GĐHH), số hội viên hiện nay là 85.765 đạt 7,55%.

 

Mặc dù hầu hết cán bộ đều là cán bộ hưu trí hoạt động trong điều kiện kinh phí vật chất hạn hẹp, gặp nhiếu khó khăn nhưng bằng tinh thần tự nguyện và tâm huyết của các hội viên, các chi hội hoạt động có hiệu quả.

 

Hoạt động khuyến học lan toả khắp các xóm ấp, đến tận mỗi gia đình tạo ra mối liên hệ và trách nhiệm giữa gia đình và xã hội trong sự nghiệp trồng người. Ở đây mọi người ý thức được trách nhiệm của mỗi gia đình trong việc xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, tri thức cho người dân.

 

Hiện nay TP Cần Thơ có 100% xã phường xây dựng được các TTHTCĐ có nhiều hoạt động thiết thực hiệu quả như :vận động trẻ bỏ học đến trường, chống tiêu cực trong lưu ban, vận động và tạo điều iện cho người lao động có nghề, tổ chức quản lý học sinh trong dịp hè tổ chức các lớp tình thương, các cuộc tuyên truyền vận động khuyến học - khuyến tài…

 

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2007, các trung tâm mở được 7 lớp học nghề cho 150 học viên, 1 lớp bổ túc văn hoá cho 20 cán bộ, 1 lớp tư vấn lao động nghề cho 90 người… chính vì vậy mà hoạt động khuyến học ngày càng phát triển rộng khắp trong nhân dân.

 

Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều gánh nặng về cơm áo mà chưa đủ sức đầu tư cho việc học của con cái. Mặt khác công tác vận động quỹ khuyến học là một việc rất khó, tình hình hoạt động tài chính đi vào khuôn khổ chặt chẽ, các doanh nghiệp dần đi vào cổ phần hoá nhưng các cấp hội luôn cố gắng tìm nhiều hình thức vận động hợp lý, thuyết phục để các cơ quan doanh nghiệp, các mạnh thường quân  vì sự nghiệp khuyến học - khuyến tài quyết không để các em học sinh vì nghèo khó mà bỏ học đi kiếm kế mưu sinh.

 

Đã nhiều năm nay hệ thống các ngân hàng trong TP Cần Thơ lấy ngày 19/8 hàng năm làm ngày họp mặt những tấm lòng vàng vì sự nghiệp khuyến học - khuyến tài. Năm 2007 thực hiện chỉ thị 11 của Bộ Chính Trị và chỉ thị 14 của Thành Uỷ Cần Thơ có thêm ngày 19/5 là ngày vận động toàn xã hội đóng góp cho quỹ khuyến học - khuyến tài.

 

Còn rất nhiều những con người những tổ chức vì sự nghiệp khuyến học của TP Cần Thơ trong nhiều năm qua đó là quỹ Châu Á - Hoa Kỳ đã chăm lo cho học sinh nữ nghèo hiếu học cả cấp 2 cấp 3 và đại học. Hội Hạt Lúa Thụy Sĩ đã hỗ trợ xây dựng hoàn chỉnh Trường Mẫu giáo Phú Thứ với số tiền 450 triệu đồng. 6 tháng đầu năm đã tổ chức ba lượt trao học bổng: Học bổng “Vì nông dân tương lai” do GS.TS Võ Tòng Xuân tài trợ, học bổng “Hội văn hoá Thuỵ Sĩ - Việt Nam”, học bổng do gia đình PGS. TS Lê Phước Lộc trao tặng. Họ là những người xa lạ thậm chí không cùng sắc tộc nhưng lại có chung một tấm lòng, vì một mơ ước đến trường của các em thơ, vì sự phát triển dân trí của TP cần Thơ.

 

Tổng số quỹ khuyến học của TP cần Thơ thu được đến thời điểm hiện tại là: 2 tỷ 969.597.000đ, số tiền này trở thành học bổng, trợ cấp khó khăn hoặc học phẩm cho gần 5 nghìn suất cho học sinh , sinh viên nghèo trong TP. Ngoài ra quỹ khuyến học các địa phương còn phối hợp với sự đóng góp của phụ huynh học sinh và ngân sách để xây dựng sửa chữa, mua sắm đồ dùng dạy học cho hàng ngàn phòng học.

 

Nhiều năm qua nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của quỹ khuyến học, nhiều học sinh nghèo học giỏi đã yên tâm vun đắp tương lai cho mình. Em Trần Trung Tây mồ côi cha, đang sống cùng mẹ trong một cái lều nhỏ gần nghĩa trang quận Ninh Kiều, đang là học sinh lớp 11 Trường PTTH Nguyễn Việt Hồng, vượt khó, học giỏi, em được Hội KH TP Cần Thơ xét trao học bổng.

 

Em Trần Thị Hồng Vân học sinh lớp 10 trường THPT Châu Văn Liêm tâm sự: cha em bị mù, mắc bệnh thần kinh, cả nhà phải đi bán vé số kiếm sống. Ngoài việc học, em phải đảm đương việc chăm sóc cha, lo cơm nước cho gia đình, ngày nghĩ thì đi làm mướn giúp mẹ. Nhiều lúc em định nghĩ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

 

Biết chuyện, các cô các chú ở Hội khuyến học tìm đến giúp đỡ Vân đã được lãnh học bổng suốt ba năm nay. Đó chính là nguồn động viên về vật chất, tinh thần vô giá giúp các em vững tin hơn trên bước đường tương lai sắp tới. Đó cũng chỉ là một vài tấm gương tiêu biểu trong hàng ngàn tâm gương vượt khó, học giỏi được nhận học bổng của Hội Khuyến học TP Cần Thơ.

 

Mục tiêu hàng đầu của Hội khuyến học Cần Thơ “không để học sinh vì nghèo mà phải bỏ học” để thực hiện và đạt được điều đó phải kể đến sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ, UBND TP Cần Thơ. Các cấp lãnh đạo trong tỉnh luôn đưa công tác khuyến học, khuyến tài lên một nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu phát triển địa phương. Đó chính là sự sẻ chia giúp đỡ của cộng đồng, giúp các em học sinh, sinh viên vượt khó. Những con người ấy đang thể hiện một nghĩa cử cao đẹp về lòng hy sinh tình nguyện vì các em thơ.  

Phạm Thị Tám