UNESCO đính chính việc đưa tin về học sinh Việt Nam bỏ học

(Dân trí) - Trưởng văn phòng UNESCO tại Việt Nam vừa gửi đến Phó thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân một lá thư đính chính thông tin trong thông cáo báo chí của UNESCO và nhận lỗi do sơ suất nên UNESCO đã nhầm lẫn khi đưa tin.

Trong thư, bà Vibeke Ensen trình bày như sau: “Tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo tới Ngài là trong Lễ Công bố Báo cáo Giám sát Toàn cầu về Giáo dục cho Mọi người được tổ chức tại khách sạn Plaza ngày 3 tháng 11 năm 2008, do sơ suất, UNESCO đã có nhầm lẫn trong việc đưa tin về tỷ lệ bỏ học tại Việt Nam. Trong Thông cáo báo chí của UNESCO có đoạn viết: Ở Việt Nam có khoảng một triệu học sinh bỏ học, thông tin này được đính chính như sau: Ở Việt Nam có khoảng một triệu học sinh không đến trường.

Tôi xin gửi kèm theo đây Thông cáo báo chí do Văn phòng UNESCO tại Bangkok công bố tại lễ Công bố báo cáo vào tháng 2 năm 2008 để Ngài biết.

Tôi đảm bảo rằng, tôi sẽ đính chính lại thông tin trong thông cáo báo chí và gửi lại tới toàn thể cơ quan thông tấn, báo chí tại Việt Nam để các cơ quan này có thông tin chính xác. Thay mặt Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, tôi xin gửi lời xin lỗi tới quí Ngài và Bộ Giáo dục và Đào tạo.”

V ề sự nhầm lẫn này, Bộ GD- ĐT cũng đã có phân tích như sau: Hằng năm Tổng cục Thống kê có gửi cho UNESCO số liệu học sinh đi học tiểu học, tỉ lệ đi học ở độ tuổi tiểu học, dân số Việt Nam. Nhưng UNESCO không dùng số liệu dân số và số trẻ ở độ tuổi đi học tiểu học do Việt Nam cung cấp, mà tự tính lấy dân số VN và số trẻ ở độ tuổi đi học tiểu học của VN (bằng các mô hình tính toán của họ).

Trên cơ sở đó họ tính ra số trẻ không được đi học tiểu học bằng cách: lấy số trẻ trong độ tuổi tiểu học mà họ tính ra trừ đi số trẻ đi học mà VN cung cấp. Đồng thời, họ lấy số trẻ đi học tiểu học mà VN cung cấp chia cho số trẻ ở độ tuổi tiểu học mà họ tính thì ra tỉ lệ trẻ đi học ở cấp tiểu học.

Bằng cách đó họ tính ra: Tỉ lệ đi học tiểu học ở Việt Nam năm 1991 là 90%, năm 1999 là 96%, nhưng năm 2005 lại chỉ là 88%.

Đã từ lâu giáo dục tiểu học của Việt Nam là miễn phí, tỉ lệ trẻ đến trường là trên 97%. Vì vậy việc UNESCO không chấp nhận số liệu dân số của Việt Nam, tự tính số liệu của mình, và áp đặt số này để tính ra số trẻ ở tuổi tiểu học ở Việt Nam, từ đó trừ dân số trẻ đi học tiểu học do ta cung cấp để tính ra số trẻ không được đến trường tiểu học ở Việt Nam là không có cơ sở khoa học và trái với thực tế của Việt Nam.

* Chỉ số giáo dục cho mọi người được tính dựa trên 4 thành phần chính là:

- Tỉ lệ đi học tiểu học

- Tỉ lệ biết đọc, biết viết

- Sự bình đẳng về giới trong học sinh

- Chất lượng giáo dục tiểu học

Ngoài ra còn 1 chỉ số mới là

- Tỉ lệ đi học mầm non.

Theo Bà trưởng đại diện của UNESCO, trong 4 chỉ số đánh giá thành phần chính, Việt Nam có hai tiến bộ hơn trước là bình đẳng giới trong học sinh và chất lượng giáo dục tiểu học, 1 chỉ số không đổi là tỉ lệ biết đọc biết viết, và 1 chỉ số xấu đi là tỉ lệ trẻ đi học tiểu học (từ 96% năm 1999 tụt xuống 88% năm 2005, với 1 triệu trẻ tuổi tiểu học mà không được đi học!). Ngoài ra tỉ lệ đi học mầm non cũng tiến bộ, từ 41% năm 1999 lên 60% năm 2005.

Như vậy, vì đánh giá sai về tỉ lệ đi học tiểu học của Việt Nam mà báo cáo của UNESCO đánh giá chỉ số giáo dục cho mọi người của Việt Nam bị suy giảm.

Một đề nghị của Bộ với UNESCO là họ cần cung cấp các số liệu cụ thể, sự tin cậy, nguồn gốc các số liệu đã được sử dụng trong báo cáo của họ trước 10 tháng 11 năm 2008.

MM