Tuyển sinh trung cấp: Đỗ được cũng... toát mồ hôi!
Học trung cấp ra có việc làm ngay và mức lương không thua kém nhiều so với cử nhân ĐH, đó chính là lý do một số trường TC ngày càng trở nên đắt giá. Và để được trúng tuyển, bạn cũng phải nỗ lực không kém gì thi ĐH.
"Bạn có biết bơi không?". "Dạ, thực ra... em chưa biết ạ". "Vậy nếu một vị khách trong đoàn du lịch bị té xuống sông thì bạn phải làm sao?"... Tiếp theo: "Ở hiệu thuốc bây giờ có mấy loại thuốc chống say xe nhỉ?". "Em chỉ hay uống một loại do mẹ em mua cho". "Ồ, thì ra em vẫn thường dùng thuốc khi đi ô tô à? Uống thuốc vào em chỉ muốn ngủ, làm sao trò chuyện cùng du khách?"...
Đó là cuộc trao đổi giữa các giám khảo trường Trung học Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TPHCM với thí sinh (TS) thi vào ngành hướng dẫn viên du lịch trong kỳ tuyển sinh năm ngoái.
Như phỏng vấn tuyển dụng
Năm nay, mặc dù trường TH Nghiệp vụ du lịch và khách sạn TPHCM không tổ chức thi như mọi năm mà xét tuyển, nhưng trường vẫn đưa vào kỳ tuyển sinh cuộc "phỏng vấn" với tất cả thí sinh nộp hồ sơ vào trường. Thực ra, câu hỏi của ban giám khảo chỉ xoay quanh sở thích, khả năng của TS, và theo thầy Trần Văn Hùng - Hiệu phó thì: "Buổi trò chuyện, trao đổi này sẽ giúp thí sinh hiểu rõ hơn về ngành nghề cũng như khả năng của bản thân, xem thử có thích hợp với ngành học đã chọn hay không. Chúng tôi muốn đầu vào thực sự chất lượng. Nhờ vậy mà sau khi tốt nghiệp, 100% học sinh (HS) của trường có việc làm ngay tại các khách sạn, nhà hàng trong thành phố".
Thầy Hùng cho biết thêm: "Nhiều em đăng ký ngành học vì có bố, mẹ làm trong ngành, hoặc vì nhìn bên ngoài thấy hay hay, chứ không thực sự hiểu được nghề đó đòi hỏi những yếu tố nào. Song không vì thế mà các em bị trượt, các em có thể chuyển sang học ngành khác nếu thấy thích và phù hợp".
Hằng năm, tân HS ngành hướng dẫn viên còn được tham gia chuyến dã ngoại đầu năm học trong khoảng 3-4 ngày để "nhập môn". Bạn sẽ xử lý những tình huống trong chuyến đi như thế nào, tinh thần đồng đội của bạn được thể hiện ra sao? Có thể nhiều bạn sẽ say xe đứ đừ, hoặc không có năng lực hoạt náo... Thầy cô sẽ theo dõi sự thể hiện của HS để rồi lại tiếp tục hướng nghiệp lần cuối cùng trước khi vào học chính thức.
Trường CĐ Bách Việt ngay từ khi còn là trường trung cấp cũng tổ chức buổi sinh hoạt cho HS ngay đầu năm học mới. Tại đó, HS được cung cấp mọi thông tin về ngành học, yêu cầu về năng lực, khả năng xin việc làm sau khi ra trường, lương bổng... Thạc sĩ Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng chia sẻ: "Nhờ vào buổi tư vấn hướng nghiệp này, các em hiểu rõ hơn về chính mình và về nghề nghiệp mình chọn. Nhiều em đã kịp thay đổi nguyện vọng học, chuyển sang ngành khác phù hợp hơn".
Giật mình trước tỷ lệ "chọi"
Năm ngoái, trường TH Nghiệp vụ du lịch và khách sạn có khoảng 9.000 hồ sơ dự thi trong khi chỉ tiêu chỉ 600. Như vậy muốn đỗ, TS phải "đánh gục" 15 TS khác. Tương tự, hệ trung cấp trong Học viện Hàng không Việt Nam - nơi duy nhất trong nước đào tạo các ngành như khai thác vận tải hàng không, kiểm soát không lưu, khai thác cảng hàng không... - hằng năm chỉ tiêu trên dưới 160 nhưng số hồ sơ đăng ký dự thi luôn lên tới 2.000 - 3.000.
Đó là chưa kể TS muốn dự thi còn phải kèm theo các điều kiện: không quá 28 tuổi tính đến ngày dự tuyển, ngoại hình cân đối, không dị tật bẩm sinh; nam cao từ 1m65 trở lên, nữ từ 1m55 trở lên, sức khỏe phải đảm bảo theo quy định của Nhà nước...
Năm nay, hầu hết các trường TC đều xét tuyển và các hệ TC trong các trường ĐH, CĐ cũng xét tuyển từ số thí sinh thi không đỗ vào hệ ĐH của trường. Tuy nhiên đối với một số trường ĐH "đắt giá" như ĐH Y - Dược TPHCM, ĐH Công nghiệp, ĐH Sư phạm kỹ thuật... thì hệ TC không phải cứ xét tuyển là đỗ. Như ngành điều dưỡng đa khoa của hệ trung cấp trường ĐH Y - Dược TPHCM năm ngoái có tỷ lệ chọi là 1 - 6, ngành dược sĩ trung học Tây y cũng xét 2 môn Toán - Sinh với tổng số điểm tới 11,5...
Theo Mỹ Quyên
Thanh Niên