Tuyển sinh năm 2020: Xu hướng giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia

Thông tin từ các trường đại học (ĐH) cho hay, mùa tuyển sinh 2020 có trường chỉ dành 40% tổng chỉ tiêu cho xét điểm Kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra: Khi kỳ thi này có những thay đổi căn bản sau năm 2021, liệu các trường có tiếp tục sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển?

Tuyển sinh năm 2020: Xu hướng giảm chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia - 1

Tiến tới giảm xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia. (Ảnh: Quang Vinh)

Tuyển sinh thông qua đánh giá năng lực

Thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến thực hiện trong năm 2020. Đáng chú ý, năm học 2020 - 2021, các trường đã giảm mạnh chỉ tiêu xét điểm thi THPT quốc gia, nghiêng về lựa chọn riêng, tự sử dụng các kỳ thi cũng như phương thức riêng.

Theo kế hoạch tuyển sinh dự kiến, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét điểm thi quốc gia xuống còn khoảng 40% đồng thời, tăng chỉ tiêu xét điểm thi năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức lên 40%. Theo đại diện Trường ĐH Công nghệ thông tin TP HCM: Năm 2020, trường dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi chung và dự kiến có thể tiếp tục giảm thêm 10% trong năm tới.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng -Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho biết: Dự kiến năm 2020, nhà trường sẽ dành khoảng 20-50% chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức. Việc tăng chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức từ kết quả thi đánh giá năng lực là hướng đi chính của nhà trường trong tương lai.

Ghi nhận thực tế cho thấy, khoảng 3-4 năm trước đó, điểm thi THPT quốc gia gần như là phương thức tuyển sinh truyền thống và duy nhất của hầu hết các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH khối công lập. Nhưng vài năm gần đây, phương thức này đang dần bị thay thế bởi nhiều cách thức tuyển sinh mới, như xét học bạ, ưu tiên xét tuyển, xét chứng chỉ quốc tế, tổ chức kỳ thi riêng… Điều này không chỉ diễn ra ở các trường tư thục mà cả công lập và ngay cả các ĐHQG. Lý giải về hiện tượng này, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM nhìn nhận, việc giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 chính là xu hướng đón đầu của các trường ĐH cho đợt tuyển sinh 2021. Theo đó, năm 2020 là năm cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo Luật Giáo dục hiện hành. Theo Luật Giáo dục mới, kỳ thi này sẽ thay đổi nhiều, từ đó tác động đến việc tuyển sinh của các trường. Với xu hướng này thì các trường sẽ ngày càng giảm tỉ lệ xét kết quả kỳ thi chung và tăng thêm các hình thức xét tuyển khác. Trong đó, đáng chú ý là việc tổ chức các kỳ thi riêng, đặc biệt là kỳ thi đánh giá năng lực sẽ ngày càng mở rộng hơn để các trường có nguồn tuyển.

Tăng cường giám sát tuyển sinh

Trong khi có trường thay đổi hướng tuyển sinh theo những cách riêng, những trường còn lại vẫn trung thành với kết quả thi THPT quốc gia. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, kỳ thi chung vẫn đảm bảo sự tiết kiệm và đánh giá người học trên một chuẩn chung.

Cùng với đó, xét ở góc độ tự chủ tuyển sinh, các trường có điều kiện đã tổ chức được các kỳ thi đánh giá năng lực riêng, những thành công ban đầu của kỳ thi năng lực do ĐHQG TP HCM tổ chức cũng đã minh chứng cho điều đó. Luật Giáo dục ĐH đã giao quyền tự chủ cho các trường thì cần tôn trọng quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Dẫu thế vẫn còn đó những ý kiến lo ngại về sự công bằng, minh bạch trong tuyển sinh khi các trường được tự chủ tuyển sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, khuyến khích tự chủ, song Bộ GDĐT cũng cần phải tăng cường về mặt quản lý, thanh tra, kiểm tra quá trình tuyển sinh để đảm bảo công bằng.

Nhìn vào phương thức tuyển sinh năm 2020 dự kiến của các trường ĐH trên cả nước, TS Lê Viết Khuyến -Trưởng ban Hỗ trợ tuyển sinh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Việc các trường ĐH, đặc biệt là trường top đầu đa dạng phương thức tuyển sinh nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia là xu hướng phù hợp và cần thiết. Lẽ ra các trường cần phải làm điều này sớm hơn vì Luật Giáo dục ĐH quy định rõ, các trường hoàn toàn được tự chủ lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp với đặc thù ngành nghề đào tạo của mình. Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia những năm qua cho thấy, kết quả của kỳ thi này có thể đạt được mục tiêu xét tuyển ĐH đối với số đông các trường thuộc top giữa và top dưới. Với các trường top đầu, có thể chưa đạt được mục tiêu nên các trường này hoàn toàn có thể tổ chức thêm một kỳ thi phụ, hoặc đa dạng các phương thức tuyển sinh để lựa chọn học sinh phù hợp.

Ông Khuyến cũng nhấn mạnh: Đã đến lúc các trường ĐH có cạnh tranh cao cần phát huy tính tự chủ và trách nhiệm xã hội, chủ động xây dựng và thực hiện phương án tuyển sinh ĐH phù hợp với mục đích và chuẩn chất lượng của trường mình, hạn chế dần sự phụ thuộc vào kỳ thi THPT quốc gia.

Theo Dung Hòa

Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm