Tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội: Bất ngờ với đề thi Văn

(Dân trí) - Theo đánh giá của nhiều học sinh thì đề thi môn Văn không quá khó và đã được ôn tập khá kỹ lưỡng. Tuy nhiên, đã có khá nhiều tâm trạng trái ngược nhau ở kì thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Nhiều thí sinh e dè khi đánh giá điểm số mình có thể đạt được.

Sáng nay (23/6), hơn 70.000 học sinh thủ đô bước vào kì thi lớp 10 với môn thi Ngữ Văn. Đề thi được đánh giá là “dễ thở” nhưng hầu hết các Hội đồng không có tình trạng học sinh nộp bài làm sớm. Trong khi ở phía bên ngoài phụ huynh lo lắng chờ đợi thì phía trong thí sinh nào cũng tận dụng tối đa thời gian để làm bài.
 
Đề thi môn Ngữ văn của kì thi vào lớp 10 của Hà Nội.
Đề thi môn Ngữ văn của kì thi vào lớp 10 của Hà Nội.

Khi cánh cổng trường thi mở ra thì cũng là lúc những tâm trạng trái ngược nhau được thể hiện một cách rõ nét. Hình ảnh những nụ cười rạng ngời xen lẫn với nỗi buồn của thí sinh dễ dàng bắt gặp ở các Hội đồng thi.

Phụ huynh ngóng trông khi con đang chăm chú làm bài.
Phụ huynh ngóng trông khi con đang chăm chú làm bài.

Tâm trạng trái ngược

Em Nguyễn Hoàng Giang, học sinh Trường THCS Kim Giang chia sẻ: “Đề năm nay khá lạ với các năm trước. Có nhiều phần hỏi các vấn đề xã hội bên ngoài nhưng cũng có một số câu gỡ điểm”.

Cũng theo Giang, câu hỏi khiến em băn khoăn nhất đó là một phần của ý 2 phần I khi đề đặt ra: “Lời kể được in nghiêng trong đoạn trích giúp em nhận biết mục đích nói ở câu văn có hình thức nghi vấn sau đó là gì?”. Câu hỏi này đã khiến Giang nhầm lẫn giữa đoạn trích và cả tác phẩm.

Niềm vui xen lẫn những nỗi buồn đầy lo lắng trong buổi thi môn Ngữ Văn.

Niềm vui xen lẫn những nỗi buồn đầy lo lắng trong buổi thi môn Ngữ Văn.
Niềm vui xen lẫn những nỗi buồn đầy lo lắng trong buổi thi môn Ngữ Văn.

Ý 4 của phần I cũng ít nhiều khiến Giang lúng túng khi hỏi: “Kể tên một tác phẩm khác ở chương trình ngữ văn lớp 9 trong đó có nhân vật người cha, vì chiến tranh xa cách, khi trở về, đứa con trai cũng hoài nghi, xa lánh”. Do chú trọng ôn nhiều vào các tác phẩm học kỳ II của lớp 9 nên khi đề có hỏi về tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương nên ít nhiều khiến Giang bất ngờ. Còn về phần gỡ điểm theo Giang đó chính là câu hỏi năm sáng tác.

Trái ngược với tâm trạng của Giang, em Dương Đức Tuân, học sinh lớp 9A3, THPT Nam Trung Yên dự đoán, năm nay sẽ có nhiều điểm Văn cao vì đề tương đối dễ, ra sát nội dung.

“Bài 7 điểm rơi vào tác phẩm “Chiếc lược ngà”, đây là phần mà em đã được thầy cô ở trường cho ôn luyện cho rất kỹ. Câu hỏi thú vị nhất về hiểu biết xã hội và trách nhiệm của giới trẻ trong tình hình hiện tại của đất nước cũng rơi vào nội dung mà học sinh đã tìm hiểu kỹ càng” - Đức Tuân tự tin cho biết.

Nhiều thí sinh đưa “biển Đông” vào bài làm

Mặc dù đề thi không có câu hỏi liên quan trực tiếp đến vấn đề biển Đông, tuy nhiên từ đoạn trích của bài thơ "Nói với con" của tác giả Y Phương đề thi đặt ra câu hỏi trình bày suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người, qua đó thấy được trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tình hình đất nước hiện này? Với câu hỏi này nhiều học sinh đã liên hệ ngay với vấn đề Biển đông để đưa vào bài làm của mình.

Em Nguyễn Minh Hạnh, học sinh Trường THCS Cát Linh và một số em khác cho biết đã ôn tập nhiều câu hỏi về tình yêu nước, chủ quyền biển đảo, biển Đông nhưng câu hỏi năm nay không đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Tuy nhiên, trong bài Hạnh viết mỗi người đều có quê hương, cội nguồn của chính mình nên từng cá nhân phải suy nghĩ về nó với trách nhiệm và sự chín chắn. Trong tình hình hiện nay trách nhiệm với đất nước hơn bao giờ hết càng trở lên quan trọng. Hạnh cũng đề cập đến tình hình biển Đông và trách nhiệm của người học sinh cần phải làm gì.

Em Nghiêm Quỳnh Anh, học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn bổ sung thêm: “Em cũng nêu khái quát tình hình biển Đông và việc mỗi học sinh cần phải hiểu để tuyên truyền cho bạn bè quốc tế ủng hộ những biện pháp đấu tranh của dân tộc ta”.

Nhiều thí sinh quyết định đưa vấn đề biển Đông vào bài làm cho 
Nhiều thí sinh quyết định đưa vấn đề biển Đông vào bài làm cho câu hỏi "suy nghĩ về cội nguồn của mỗi con người".

Em Lê Trung Đức, học sinh Trường THCS Nguyễn Du cũng thổ lộ, đề năm nay hay. Đối với câu hỏi về nguồn cội và trách nhiệm bản thân, Đức chia sẻ trong bài làm em đã nói lên trách nhiệm của mỗi người cần phải làm gì khi lãnh thổ quốc gia đang bị đe dọa.

“Trong bài em đã nêu lên cội nguồn sống của chúng ta và cần phải biết ơn ông cha ta đã xây dựng. Những việc mà bản thân cần phải làm gì để bảo vệ chủ quyền đất nước” - Nguyễn Trung Kiên, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ về phần bài làm câu hỏi nghị luận.

Theo đánh giá của cô giáo Hoàng Thị Hải Yến - giáo viên Văn Trường THCS Phú Diễn thì đề Văn khá hấp dẫn, vừa sức, nội dung câu hỏi đều nằm trong chương trình học.

Nguyễn Hùng 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm