Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014: Không còn điểm sàn!

(Dân trí) - Để phù hợp với lộ trình đổi mới thi và giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ, tuyển sinh 2014, Bộ GD-ĐT sẽ thành lập một Hội đồng tư vấn nghiên cứu xác định tiêu chí để thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.

Thông tin mới nhất về tuyển sinh 2014 mà Bộ GD-ĐT công bố chiều ngày 24/2 là, các trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các điều kiện quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được tự chủ tuyển sinh; đồng thời Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chung. Các trường tuyển sinh riêng có thể kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh.

Một Hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ GD-ĐT xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.

Như vậy, tuyển sinh 2014 sẽ không có điểm sàn. Việc thay thế tiêu chí điểm sàn bằng tiêu chí khác sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh thương hiệu của các trường hàng năm luôn kêu khó tuyển sinh vì điểm sàn.
 
Tuyển sinh 2014, thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học
Tuyển sinh 2014, thí sinh có nhiều cơ hội vào đại học.

Lịch sử của điểm sàn

Từ năm 2001, khi số học sinh tốt nghiệp THPT mỗi năm một tăng, số trường đại học có tăng nhưng không theo kịp số người tốt nghiệp THPT có nhu cầu học lên đại học, cao đẳng. Các trường đại học lớn đứng trước áp lực có số lượng thí sinh đăng ký dự thi mỗi năm đều tăng. Để tuyển sinh, các trường phải chọn giải pháp ra đề thi khó hơn, nhằm phân loại và tuyển chọn sinh viên. Cuộc cạnh tranh vào đại học đã phát sinh nhu cầu luyện thi, và trong thi tuyển sinh đại học cũng nảy sinh tiêu cực liên quan đến các lò luyện thi, thậm chí đã xuất hiện đường dây kết nối giữa giáo viên ra đề thi và một số lò luyện thi xung quanh trường đại học... Trước tình hình đó đòi hỏi Bộ GD-ĐT phải nghiên cứu trình Chính phủ phương án đổi mới thi và tuyển sinh. Phương án mới được xây dựng để áp dụng từ năm 2002, tinh thần của phương án đó nhằm khắc phục hạn chế bất cập. Và phương án thi “ba chung” ra đời.

Tiến sĩ Văn Đình Ưng - Hiệp hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập cho biết: “Phải công nhận “ba chung” đã có những ưu điểm như: Các trường không phải ra đề thi riêng, hạn chế luyện thi tràn lan, xóa sổ nhiều lò luyện thi quanh trường; khắc phục tình trạng đông người kéo về thành phố luyện thi; thí sinh có thể dùng kết quả thi chung để xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 tại các trường cùng khối thi đang còn chỉ tiêu xét tuyển. Nhưng cũng phải thấy rằng có những nhược điểm của “ba chung” là: Chuyển công đoạn thi của nhà trường thành công việc của Bộ GD-ĐT. Cả nước thêm một kỳ thi căng thẳng, huy động tổng lực các Bộ, ngành, địa phương, gây tốn kém nhiều mặt...

Năm 2003, có một vài trường hợp thí sinh thi “ba chung” có kết quả 3 môn thi hơi thấp, nhưng do được cộng với các điểm ưu tiên vùng miền và chế độ chính sách đã được tuyển vào học đại học, dư luận báo chí cho rằng cách tuyển sinh như vậy dễ dẫn đến chất lượng đầu vào của một vài trường đại học thấp kém. Trước thông tin đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo nghiên cứu giải pháp khắc phục, và phương án thêm điểm sàn chung được thông qua, thực hiện từ năm 2004. Vậy là từ “ba chung” thành phương án thi “bốn chung”, thêm một chung là - chung điểm sàn.

Tình hình thiếu nguồn tuyển mấy năm qua ngày càng trầm trọng, đặc biệt năm 2011, 2012 là điển hình khó khăn về nguồn tuyển, khiến một số trường địa phương và trường ngoài công lập chỉ tuyển được vài chục phần trăm so với chỉ tiêu năng lực đào tạo của nhà trường. Tình trạng thiếu nguồn tuyển có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do cắt “điểm sàn” chưa có cơ sở khoa học thực tiễn…

Cắt điểm sàn không tương xứng với độ khó dễ của đề thi, không ước tính hết số thí sinh ảo, số thí sinh khối A, B, C, D có tương ứng với số chỉ tiêu đào tạo dành cho các khối này hay không thì cũng dẫn tới cạn kiệt nguồn tuyển, hoặc dư thí sinh khối này, thiếu thí sinh khối kia...là chuyện không tránh khỏi. Các nguyên nhân trên khiến hàng loạt trường ngoài công lập và cả công lập thuộc top trường “nhỏ và vừa” có nguy cơ đóng cửa, đóng ngành học vì không còn thí sinh trên sàn để gọi mời vào học. Kể cả các trường đại học thuộc loại lâu năm cũng có một số ngành không còn nguồn tuyển, phải chấm dứt đào tạo ngành đó.

Nhận xét chung của nhiều chuyên gia giáo dục, cho rằng thi “ba chung” ra đời có tác dụng tốt trong thời gian qua, nhưng trong điều kiện mới không còn phù hợp. Trước hết đó không phải là công việc thường niên của Bộ GD-ĐT, đó chỉ là giải pháp tình thế, không nên kéo dài tới chục năm. GS. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UB VHGD TN, TN &NĐ của Quốc hội khi trả lời báo chí hỏi về chuyện thi cử, cũng nêu ý kiến của mình, ông cho rằng, thi “ba chung” có những ưu điểm, nhưng đã hoàn thành sứ mệnh của nó.

Bỏ điểm sàn - Thương hiệu của các trường được xác định

Theo PGS.TS. Phạm Văn Điển - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, nhìn từ  gốc tọa độ của biểu đồ phương thức tuyển sinh ở nước ta hiện nay, nhiều người sẽ ủng hộ việc duy trì điểm sàn với lý lẽ  thuyết phục. Tuy nhiên, từ viễn cảnh của triết lý  giáo dục tiên tiến và thực tiễn nền giáo dục quốc tế, bỏ điểm sàn là một cách làm tất yếu. Bỏ điểm sàn, hiểu rộng ra là bỏ cách tư duy và hành động đã cũ, để làm theo cách mới nhằm đem lại hiệu quả khác biệt.

Tuy nhiên, PGS Phạm Văn Điển cho rằng, với quan điểm duy trì điểm sàn, Nhà nước kiểm soát đầu vào của các trường đại học nhờ một "màng lọc". Người đạt từ điểm sàn trở lên được coi là vượt qua màng lọc đó và có tấm vé hợp lệ để chọn trường hoặc được các trường xét chọn vào học. Xét cho cùng, việc định ra điểm sàn chỉ mang tính kỹ thuật thuần túy, chưa mang tính "quản lý vĩ mô" hay "giám sát" của cơ quan Nhà nước cấp trung ương. Và thực tế hiện nay, câu hỏi "Có nên duy trì điểm sàn hay không?" là nhằm giúp Bộ GD-ĐT lựa chọn hướng đi phù hợp. Nếu trả lời là có, tức là luẩn quẩn với vòng xoáy kỹ thuật mà năm nào cũng có sự điều chỉnh gấp gáp. Nếu trả lời là không, cả vai trò của Bộ GD-ĐT và của các trường đại học đều được nâng lên tầm cao mới.

Với quan điểm bỏ điểm sàn, nhưng có thể vẫn duy trì  kỳ thi ba chung, PGS.TS Phạm Văn Điển cho biết: “Các trường sẽ  tự chủ tuyển thí sinh dựa vào điểm của một hoặc một số môn thi nào đó phù hợp với yêu cầu của từng ngành đào tạo (chẳng hạn, ngành thiết kế nội thất cần căn cứ vào điểm của môn Vẽ mỹ thuật; ngành du lịch sinh thái có thể căn cứ vào điểm thi môn Địa lý), kết hợp với kiểm tra thêm kiến thức khác để xét chọn (nếu cần). Cách làm này sẽ giúp cho tất cả các môn học ở bậc phổ thông đều được chú trọng, đồng thời hạn chế sự cứng nhắc của khối thi, vốn là một nhân tố rào cản cho việc chọn ngành đối với nhiều thí sinh vì không phù hợp với sở trường, năng khiếu của họ”.

Về hướng bỏ điểm sàn, bỏ thi “3 chung”, theo PGS Điển, trong trường hợp này, các trường sẽ tự chủ xây dựng tiêu chí tuyển sinh cho từng ngành học, chủ động vận hành hoạt động tuyển sinh (trong một năm có thể tuyển sinh thành nhiều đợt - một hình thức giảm tải trong khi cho phép tăng qui mô và phù hợp với đào tạo theo tín chỉ). Các trường sẽ tổ chức đào tạo, phát triển các nguồn lực cần thiết, đồng thời chịu sự đánh giá, kiểm định chất lượng của các tổ chức độc lập và của các đối tượng sử dụng lao động. Chỉ sau thời gian ngắn, sẽ diễn ra đồng thời hai quá trình trái ngược nhau một cách ngoạn mục: một số trường bị đào thải, trường khác tiếp tục duy trì và vươn lên (và có thể một số trường lại bị đào thải sau khoảng thời gian nào đó - trái với mong đợi cho rằng, dùng điểm sàn để cứu các trường như hiện nay).

“Trường nào tồn tại và phát triển được sẽ là trường ĐH tự chủ về học thuật. Sức vươn và quá trình cạnh tranh, đào thải tiếp theo của những trường này chính là động lực cho sự hoàn thiện chính sách vĩ mô của Nhà nước. Mặt khác, vai trò vĩ mô chủ yếu của Bộ GD-ĐT là điều tiết chính sách vĩ mô nhằm tạo ra môi trường lành mạnh cho các trường phát triển, cạnh tranh, phân tầng và hội nhập” - PGS Điển cho hay.

Hồng Hạnh