Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2019: Sáng suốt trong lựa chọn ngành học
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhiều trường đại học, cao đẳng và trung cấp (ĐH, CĐ, TC) trong mùa tuyển sinh năm nay sẽ mở thêm một số ngành học mới. Bài toán chọn ngành chọn nghề sẽ có thêm những cơ hội mới, thí sinh và gia đình cần bình tĩnh lựa chọn.
Đa dạng ngành học
Còn gần nửa năm nữa mới đến thời điểm tuyển sinh, song hiện tại nhiều trường đã công bố phương thức tuyển sinh và chỉ tiêu cụ thể vào từng ngành nghề để thí sinh có thời gian tìm hiểu. Thông tin từ Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết, năm 2019, trường tuyển sinh 2 ngành mới là Truyền thông đa phương tiện và Quản lý thông tin.
Ngoài ra, trường dự kiến thêm ngành chất lượng cao Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; thêm tổ hợp môn Văn - Sử - Địa cho việc xét tuyển ngành Đô thị học… Ngành Truyền thông đa phương tiện trong năm đầu tiên tuyển 60 chỉ tiêu khối C00, D01, D14. Sinh viên ngành này sẽ được đào tạo bởi Khoa Báo chí và Truyền thông. Quản lý thông tin tuyển 60 chỉ tiêu khối A01, C00, D01, D14. Sinh viên ngành này sẽ được đào tạo bởi Khoa Thư viện - Thông tin học.
Đối với Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, nhằm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, trường có thêm 5 ngành mới đào tạo giáo viên gồm: Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục Công dân, Tin học và Công nghệ Tiểu học. Dự kiến, mùa tuyển sinh ĐH năm 2019, trường tuyển sinh 39 ngành đào tạo với 2.850 chỉ tiêu ở 4 khối ngành.
Ngoài khối ngành đào tạo giáo viên, trường còn có các khối ngành đào tạo cử nhân. Các phương thức tuyển sinh của trường không có thay đổi so với năm 2018.
Trường ĐH Nha Trang mở 4 ngành mới là Quản trị khách sạn, Luật, Khoa học thủy sản, Kỹ thuật cơ khí động lực.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm đầu tiên mở ngành đào tạo công nghệ giáo dục (CNGD), cũng là trường đầu tiên trong cả nước mở ngành đào tạo này.
Theo PGS.TS Thái Thế Hùng - Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mục tiêu của trường là đào tạo nguồn nhân lực có năng lực về công nghệ để phát triển giáo dục. Đặc biệt, tập trung chủ yếu vào năng lực công nghệ thông tin và truyền thông để áp dụng vào trong giáo dục và đào tạo của thời đại kỷ nguyên số cũng như cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ thêm, ông Hùng cho biết, hiện nay nhu cầu học trực tuyến ở trong nước đang có xu hướng phát triển, số người học qua mạng nhiều lên, vì thế cơ hội việc làm của sinh viên học ngành này rất lớn. Theo tính toán của Viện Sư phạm kỹ thuật ở mức dưới, mỗi trường ĐH cần 5 nhân lực CNGD và trường phổ thông là 2 thì hơn 29.000 cơ sở giáo dục thuộc hệ thống Bộ GDĐT cần khoảng 60.000 chuyên gia CNGD. Đó là chưa tính hơn 1.000 trường CĐ và TC thuộc Bộ LĐTBXH quản lý cũng sẽ cần một lực lượng tương đối.
“Những người tốt nghiệp ngành CNGD đầu tiên trong cả nước có nhiều cơ hội được lựa chọn vị trí việc làm. Họ có thể đảm nhiệm được vai trò cán bộ thiết kế các khóa học, chương trình đào tạo hay chuyên viên quản trị hệ thống dạy học trực tuyến tại các cơ sở giáo dục; có cơ hội trở thành chuyên viên thiết kế và phát triển học liệu số và các sản phẩm về công nghệ giáo dục (web, các trò chơi giáo dục mô phỏng…); công việc của cán bộ giáo dục STEM trong các trường phổ thông, chuyên viên phát triển nội dung tại phòng kỹ thuật của hệ thống đài phát thanh trên cả nước… Ngoài ra, chuyên viên thiết kế phát triển các sản phẩm và dịch vụ CNGD tại các công ty thiết bị trường học, nhà xuất bản cũng là điểm đến của sinh viên học ngành CNGD”- ông Hùng nhấn mạnh.
Tìm hiểu kỹ thông tin
Như vậy, với việc mở thêm hàng loạt ngành học mới bên cạnh các ngành học truyền thống, thí sinh sẽ có thêm nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp với mình. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp để giúp các thí sinh có sự lựa chọn đúng đắn, tránh lãng phí thời gian, công sức tiền bạc khi chọn ngành mà chưa tìm hiểu kỹ thông tin về ngành học đó.
Một tiêu chí quan trọng được các chuyên gia lưu ý là các thí sinh có thể tìm hiểu về tỷ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp được các trường công khai trên website của trường. Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm 2018, Sở LĐTBXH TPHCM thông tin năm 2018, tổng thể công tác tuyển sinh khối CĐ, TC vượt chỉ tiêu đề ra. Song khối trường CĐ tuyển sinh tốt nhưng khối trường trung cấp chỉ có 20/64 trường đạt 50% chỉ tiêu trở lên. Một số trường tỷ lệ có việc làm của học viên sau tốt nghiệp cao là Kỹ thuật Cao Thắng, Lý Tự Trọng.
Về phương thức tuyển sinh, thí sinh lưu ý kết quả thi THPT quốc gia không còn là cánh cửa duy nhất để thí sinh bước vào ĐH, CĐ năm 2019. Việc xét tuyển bằng học bạ kết hợp với các phương thức thi đánh giá năng lực, xét chứng chỉ ngoại ngữ… được các trường áp dụng đa dạng giúp tăng sự lựa chọn cho thí sinh, tăng nguồn tuyển có chất lượng cho nhà trường. Đồng thời sẽ giảm áp lực cho các thí sinh đang sắp bước vào kỳ thi THPT.
Tháng 3/2019, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM dự kiến sẽ ra mắt ĐH online dành cho tất cả đối tượng muốn học tại trường. Chương trình này cho phép học sinh đăng ký học trực tuyến chính thức môn học nhập môn kỹ sư ngành. Môn học này có trong chương trình đào tạo của trường với 2 tín chỉ, gồm nhiều nội dung giới thiệu tổng quát chương trình ĐH, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp người học biết được sẽ học các môn học nào, cần năng lực gì, định hướng nghề nghiệp… Theo lãnh đạo nhà trường, kết thúc môn học, học sinh sẽ thi hết môn nếu đậu sẽ được nhà trường công nhận điểm và sẽ được nhà trường miễn môn học này khi chọn học tại trường.
Theo Thu Hương
Đại Đoàn Kết