Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2018: Đăng ký nguyện vọng sẽ còn thay đổi

Cho đến thời điểm hiện tại, theo thống kê sơ bộ tình hình đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển ĐH, CĐ năm nay cho thấy những ngành “hot” vẫn thu hút nhiều thí sinh (TS). Tuy nhiên, hiện cũng có ngành học vẫn chưa có TS nào đăng ký. Theo thông lệ, phải chờ tới sau khi công bố điểm thi THPT (ngày 11/7), nhiều khả năng mới nhìn rõ những biến động lớn về điều chỉnh NV vào các trường ĐH.


Ngành Y vẫn được nhiều thí sinh lựa chọn.

Ngành Y vẫn được nhiều thí sinh lựa chọn.

Nghịch lý chọn ngành

Năm 2018, trong khi có những ngành học có lượng TS đăng ký cao gấp nhiều lần chỉ tiêu (CT) tuyển sinh, hiện có những ngành rất ít TS đăng ký dự tuyển. Để có sự nhìn nhận rõ ràng hơn về sự lựa chọn ngành nghề của TS, thì cần xem xét tỉ lệ nguyện vọng trên chỉ tiêu (NV/CT). Tỉ lệ này cũng cho thấy mức độ cạnh tranh của các khối ngành thí sinh lựa chọn.

Tỉ lệ này đạt cao nhất là 7,88 (một chỉ tiêu có gần tám nguyện vọng đăng ký) ở Khối ngành VII (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, An ninh quốc phòng…) thứ hai là 6,87 ở Khối ngành III (Kinh doanh, Quản lý, Pháp luật…), thứ ba là 6,86 ở Khối ngành VI (Sức khỏe).

Khối ngành Sức khỏe có tổng CT ít so với các khối ngành khác, là hơn 31 nghìn, nhưng có số NV đăng ký tới hơn 215 nghìn. Đáng chú ý, Khối ngành I ( Sư phạm) vẫn thu hút đông thí sinh, với tỷ lệ NV/CT là 5,64, mức độ cạnh tranh chỉ sau Khối ngành Sức khỏe.

Cụ thể, ngành CNTT Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có số TS đăng ký NV1 cao gấp 18 lần so với chỉ tiêu, còn nếu tính tổng số NV thì con số lên đến hơn 6.000 NV/160 CT, nghĩa là số NV cao gấp gần... 40 lần so với CT. Các ngành như kỹ thuật ôtô số NV1 đăng ký gấp 4 lần CT, các ngành điều khiển - tự động hóa, kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ thực phẩm... đều có số lượng NV1 cao hơn 3 lần so với CT.

Theo đánh giá của TS Phạm Thanh Hà (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải), giờ đây xu hướng chọn ngành của TS là lựa chọn các ngành liên quan hoặc có dính dáng đến công nghệ 4.0. Còn các ngành khác, có thể do vất vả nên các em không mấy mặn mà.

Thống kê từ các trường ĐH cũng cho thấy dù quy chế cho phép TS đăng ký không giới hạn NV, nhưng vẫn có những ngành đào tạo hiện không có TS nào đăng ký xét tuyển. GS Vũ Văn Hóa- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho biết bên cạnh các ngành có lượng đăng ký lớn như công nghệ thông tin, kế toán, quản lý nhà nước, thì một số ngành của trường đang khó tuyển như Tài nguyên môi trường, Ngôn ngữ Nga. Trong đó, ngành Ngôn ngữ Nga hiện chưa có TS nào đăng ký xét tuyển. Năm 2017 chỉ có 1 TS trúng tuyển ngành này. Nhà trường buộc phải đề nghị TS đó chọn một ngành đào tạo khác chứ không thể đào tạo duy nhất một TS cho cả một ngành được.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền- Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Số lượng NV đăng ký tại thời điểm này chủ yếu phản ánh mức độ yêu thích ngành nghề của TS, chứ không phản ánh sự tương thích giữa lựa chọn của TS với năng lực thực sự của các em. Sau khi có kết quả thi, TS mới có những điều chỉnh căn cứ trên điểm thi thực tế. Như vậy, những ngành “hot” có đông TS đăng ký chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi sau khi các em điều chỉnh NV dự tuyển.

Nỗi lo đầu ra

Theo phân tích của các chuyên gia, xu hướng chọn ngành nghề của TS hiện nay dựa trên 3 tiêu chí: nguyện vọng mong muốn, xu hướng tâm lý và tỉ lệ việc làm của sinh viên mà các trường đã công bố. Tỉ lệ ngành “hot” có số lượng NV/CT ít nhiều cũng phụ thuộc vào con số thống kê từ các trường. Dẫu thế, rất nhiều băn khoăn đang đặt ra, rằng những thống kê đó ai kiểm chứng?

Trong đề án tuyển sinh 2018, Bộ GD&ĐT quy định các trường ĐH phải công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm 2 năm gần nhất. Và nhiều trường đã công bố tỉ lệ này cao ngất ngưởng. Điểm đáng chú ý: các trường ngoài công lập công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm cao hơn so với các trường công lập. Đơn cử như Trường ĐH Kinh tế tài chính TP HCM công bố 100% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm; Trường ĐH Tài chính ngân hàng Hà Nội cũng công bố 100% sinh viên tốt nghiệp 2 khóa gần nhất có việc làm; Trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) tỉ lệ sinh viên có việc làm là 99,6%; Trường ĐH dân lập Phú Xuân (Huế) là 97%...

Trong khi đó, những trường ĐH công lập lại công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm thấp hơn. Đơn cử ĐH Bách khoa Hà Nội là 90%, ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) 91%. Những trường khác như ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TPHCM, Học viện Ngân hàng tỉ lệ sinh viên có việc làm dao động 94-96%.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, rất có thể các trường đẩy tỉ lệ sinh viên có việc làm lên phục vụ mục đích tuyển sinh. Cũng không ít trường hợp cách khảo sát của các trường chưa chặt chẽ, dẫn đến kết quả cuối cùng không thể hiện đầy đủ thông tin tin cậy. Chẳng hạn số mẫu khảo sát là bao nhiêu, tỉ lệ làm đúng ngành là bao nhiêu, làm trái ngành, bán thời gian có được gọi là có việc làm hay không.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong điều kiện đẩy mạnh tự chủ ĐH, việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo. Để từng bước nâng cao tính xác thực của kết quả khảo sát, Bộ GD&ĐT đã có những điều chỉnh trong hướng dẫn, yêu cầu các trường trong việc triển khai khảo sát, công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng kể từ khi có quyết định công nhận tốt nghiệp. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức kiểm tra tại một số trường về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó có nội dung khảo sát và công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp, đồng thời công khai kết quả kiểm tra cho người học và xã hội biết.

Theo Bảo Thoa

Đại Đoàn Kết