Tuyển sinh 2005: THCN không còn lo “cảnh chợ chiều”
Với quy định mới của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép các trường chủ động lựa chọn phương án tuyển sinh, phương án xét tuyển, các trường THCN đã tung ra nhiều hình thức xét tuyển để thu hút học sinh, từ đó thoát gánh lo gặp “cảnh chợ chiều”.
Dấu hiệu khởi sắc
Mùa tuyển sinh năm 2005, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi, xét tuyển của các trường trung học chuyên nghiệp (THCN) không đã tăng lên nhiều.
Bậc THCN trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM xét tuyển dựa theo một trong các kết quả: Điểm thi tốt nghiệp THPT, THBT hoặc điểm bình quân các môn học trong học bạ lớp 12, hoặc điểm thi tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ năm 2005.
Trường DL Công nghệ Thăng Long xét tuyển thẳng học sinh có kết quả thi ĐH năm 2005 các khối A,B, D đạt điểm sàn trở lên. Hệ THCN của các trường ĐH Lao động xã hội, ĐHDL Quản lý và Kinh doanh Hà Nội (tuyển 500 chỉ tiêu các ngành Kế toán, Tin học thương mại, Dịch vụ Thư ký văn phòng), CĐ DL Công nghệ Thông tin TPHCM (tuyển 1.000 chỉ tiêu) xét tuyển những thí sinh dự thi hoặc nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào hệ ĐH, CĐ của trường mà không trúng tuyển.
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu của công tác tuyển sinh, các trường THCN nhận được số lượng lớn hồ sơ đăng ký dự thi. Trường DL Công nghệ Sài Gòn tổ chức thi tuyển với 1.840 hồ sơ đăng ký và số thí sinh đến thi đạt khoảng 65%, thí sinh đăng ký nhiều nhất vào khoa Tin học, Công nghệ thực phẩm, Quản trị Kinh doanh, đăng ký ít nhất là khoa Cơ - Điện tử.
Thí sinh dự thi trường THCN Tài chính Kế toán đạt điểm chuẩn là 20,5 mới trúng tuyển. Trường Trung học Công nghiệp Hà Nội nhận được gần 7.000 bộ hồ sơ đăng ký dự thi, tỉ lệ chọi vào trường đạt mức 8/1.
Tương tự, trường THCN Điện tử - Điện lạnh Hà Nội có số hồ sơ đăng ký tăng 43% so với mọi năm. Tại trường Trung học Công nghiệp TPHCM, số hồ sơ đã tăng lên hơn 2.000, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 600. Trường Trung học Nghiệp vụ Nam Sài Gòn cũng đã nhận được trên 1.200 hồ sơ, tăng 30% so với năm ngoái.
Liên thông trong nước và hơn thế nữa
Nguyên nhân giúp các trường THCN khởi sắc một phần là do Nhà nước đầu tư trên 100 tỉ đồng cho hệ THCN và dạy nghề, khuyến khích học sinh học tập tốt với các mức học bổng 110.000, 165.000, 220.000 đồng/tháng.
Phần khác là do chính các trường đã không ngừng nâng cao và nâng cấp cả cơ sở vật chất, chương trình đào tạo phù hợp thực tế, bám sát nhu cầu lao động của thị trường. Bậc THCN trường ĐHDL Quản lý và Kinh doanh Hà Nội đầu tư 800 máy tính kết nối không dây, hệ thống giảng dạy Hi-Class/Projector cùng hệ ĐH, CĐ của trường.
Hệ THCN trường ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM đầu tư trang bị 50 phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, phòng học Multimedia, thư viện điện tử hiện đại...
Bên cạnh đó, nhờ đào tạo liên thông, vào THCN vẫn có thể học thẳng lên CĐ, ĐH. điều này thu hút rất nhiều thí sinh. Chỉ qua một kì thi sát hạch, hay căn cứ vào kết quả học tập, xếp loại THCN, người tốt nghiệp THCN được công nhận kết quả để học tiếp lên ĐH, CĐ với thời gian đào tạo ngắn hơn, tiết kiệm tiền bạc, thời gian bởi không cần phải thi tuyển sinh và học lại từ đầu.
Người tốt nghiệp THCN muốn học lên trình độ CĐ chỉ mất 1 năm, lên ĐH là 2 năm nếu cùng ngành nghề, do nguyên tắc học tập theo chương trình liên thông là kế thừa tối đa kiến thức và kĩ năng đã đào tạo ở bậc học trước. Không những liên thông với các trường trong nước, trường THCN còn liên thông quốc tế, mở rộng cơ hội học tập cho học sinh.
Trường Trung học Tư thục Tin học Kinh tế Sài Gòn xét tuyển theo phiếu báo điểm kết quả thi ĐH. Học viên theo học tại trường có cơ hội liên thông ĐH ở Pháp, hoặc liên thông với các trường trong cả nước. 100% học viên tốt nghiệp của trường năm 2004 đã có việc làm do chương trình giảng dạy của trường đề cao thực tế, thực hành.
Tuy nhiên, hiện nay mới có đào tạo liên thông ở một số ngành như Tài chính - kế toán, Tin học, Dược, Điện - Điện tử.
Số lượng học sinh đăng ký dự thi, học tại các trường THCN tăng cao là dấu hiệu đáng mừng nhưng việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh lại đang là vấn đề cần quan tâm. Ngành Kế toán tin học vẫn là ngành được nhiều học sinh ưa chuộng.
Trường Trung học Công nghiệp TPHCM, trong 2.000 hồ sơ đăng ký, ngành chiếm ưu thế nhất là kế toán tin học (30%), điện tử (25%), trong khi năm ngoái ngành cơ khí có tỉ lệ cao nhất.
Trong hơn 800 hồ sơ nộp vào trường Tài chính Kế toán có đến 36% ghi nguyện vọng vào ngành kế toán tin học. Trường Trung học Công nghiệp Hà Nội, lượng hồ sơ tăng 26% so với mọi năm nhưng chủ yếu tăng ở các ngành: kế toán tin học, điện tử công nghiệp trong khi thị trường lao động hiện đang thiếu nhiều ở các ngành nghề: sửa chữa cơ điện, tiện, phay, hàn, điện công nghiệp...
Qua đây, có thể thấy trường trung học phổ thông nên chú trọng đúng mức định hướng nghề nghiệp cho học sinh gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
Theo Phạm Hải Hà
Tiền phong