Từ thần đồng thành ngu dốt - Cuộc tranh cãi về phương pháp giáo dục

(Dân trí) - Một số người gọi Xiao, 3 tuổi, là thần đồng. Cậu có thể thuộc lòng hàng trăm bài thơ, có thể giao tiếp với người khác một cách thành thạo, ngoài ra còn có thể tự giới thiệu bằng tiếng Anh. Một số người khác lại gọi Xiao là một kẻ hoàn toàn ngu dốt khi không thể ăn uống đúng cách.

Wei Yongkang, người Hoa Nam, có thể hiểu rất rõ tình huống của cậu bé Xiao.

Vào đầu năm 2006, câu truyện về Wei, một thanh niên với trí thông minh hiếm có, đã tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc.

Wei trở nên nổi tiếng sau khi được nhận vào Viện khoa học xã hội Trung Quốc ở tuổi 17. Nhưng chỉ 2 năm sau, Wei đã được “tiễn” ra khỏi cơ quan nghiên cứu hàng đầu của nước này do không thể tự chăm sóc bản thân khi 19 tuổi.

Những câu chuyện như thế này đã tạo ra mối quan tâm về việc giáo dục cho trẻ tại một đất nước mà ở đó những người làm cha làm mẹ rất hăng say “nhào nặn” con trai mình thành những “rồng” và con gái mình thành những “phượng”.

Vào những năm 1960, tại Trung Quốc đã nổi lên một làn sóng thay đổi bắt nguồn từ tư tưởng của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông kêu gọi hàng ngàn thanh niên nam nữ Trung Quốc tham gia một chiến dịch phục hồi mang tầm quốc gia tại vùng nông thôn rộng lớn tại nước này. Vì thế, hầu hết số thanh niên này bị mất quyền được học tập của mình.

Từ đó, họ đẩy những giấc mơ học tập của mình sang con em họ, tin tưởng con em mình sẽ được giáo dục cẩn thận, điều mà trước đây bản thân họ không có được. Hệ giáo dục Trung Quốc với việc tập trung vào các kỳ thi và điểm số cũng đã nuôi dưỡng nhiều vấn đề xã hội tràn lan.

“Trẻ em phải xây dựng được nền tảng kiến thức vững chắc khi còn thơ ấu. Chúng không thể bỏ qua những cơ hội học tập tốt nhất”, mẹ của Xiao cho biết, và nói thêm rằng trẻ em có thể học cách chăm sóc bản thân sau khi chúng khôn lớn.

Những lời nói của mẹ Xiao cũng là suy nghĩ của những người làm cha làm mẹ đầy tham vọng ở Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi của trẻ từ phi thường thành đần độn chính là do những phương pháp dạy dỗ không hợp lý của cha mẹ chúng cùng với xu hướng yêu thương con cái quá mức.

“Các phụ huynh phải chịu trách nhiệm cho sự thay đổi đó”, ông Li Shuying, một trong những giáo viên hàng đầu Trung Quốc nói.

“Các phụ huynh luôn thờ ơ với những khả năng xã hội của trẻ. Con em họ có thể sẽ coi thường chính bản thân mình khi chúng không thể tự nấu ăn hay chơi đùa cùng bạn học”, ông Li nói.

Đối với những phụ huynh không có được cơ hội học tập, việc chăm lo cho năng lực trí tuệ của con em họ thường được xem trọng hơn là nuôi dưỡng những kỹ năng xã hội của chúng. Các chuyên gia lại nghĩ khác khi cho rằng sẽ không tốt cho trẻ khi chúng phải hấp thụ một lượng kiến thức lớn lúc nhỏ.

“Đã đến lúc những đứa trẻ ở độ tuổi của Xiao phải được chơi đùa”, ông Li nói. Ông cũng cho biết thêm rằng khả năng của trẻ nên được trau dồi qua các trò chơi, qua những thứ mà nhờ đó trẻ có thể đặt được nền móng vững chắc cho tương lai.

Linh Nam
Theo Chinadaily

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm