Từ năm 2006 xóa bỏ khoản thu ngoài học phí
Sáng qua, 14/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Luật Giáo dục (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ năm 2006. Hai điểm mới trong dự luật này là quy định học sinh chỉ phải đóng học phí, lệ phí tuyển sinh và việc bãi bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS.
Hiện nay, ngoài học phí, học sinh còn phải đóng nhiều khoản thu khác như: tiền xây dựng trường, vệ sinh trường lớp, thuê bảo vệ... Số tiền đóng góp của các trường cũng khác nhau phụ thuộc vào độ danh tiếng của trường đó. Luật Giáo dục (sửa đổi) đã quy định ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, học sinh không phải đóng khoản nào khác. Riêng học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí.
Học phí được công khai đầu năm và ngoài học phí học sinh sẽ không phải đóng khoản tiền khác. Các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện thực tiễn, khả năng đáp ứng của ngân sách, yêu cầu chi của nhà trường để quyết định mức học phí phù hợp. Đồng thời, có chính sách miễn giảm cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách
Theo luật này, học sinh học hết chương trình THCS có đủ điều kiện quy định, sẽ được trưởng phòng giáo dục quận, huyện cấp bằng tốt nghiệp. Nhằm tránh những tiêu cực nảy sinh do việc bỏ thi tốt nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Vọng khẳng định, ngành sẽ chỉ đạo sát việc thực hiện chương trình giáo dục, tổ chức tốt kiểm tra hết môn, học kỳ, cuối năm để đảm bảo chất lượng. Song song với việc bỏ thi tốt nghiệp, kỳ thi tuyển sinh vào các trường THPT, Trung học nghề cần được thực hiện nghiêm túc.
Luật Giáo dục (sửa đổi) là một trong dự luật thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tại kỳ họp Quốc hội lần 7, do có nhiều ý kiến trái chiều, Quốc hội suýt họp thêm buổi tối. Thậm chí, một số đại biểu còn kiến nghị chưa thông qua dự luật.
Ngày 11-14/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về 15 luật, bộ luật vừa được Quốc hội thông qua, tại kỳ họp thứ 7.
Theo Việt Anh
Vnexpress