Tự chủ đại học: Có nên mở ngành ồ ạt?
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, các trường ĐH được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu bảo đảm đầy đủ điều kiện. Với cơ chế này, dư luận quan ngại: Liệu các trường có mở ngành mới một cách ồ ạt?
Cân nhắc khi mở ngành đào tạo mới
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường ĐH hàng đầu về kỹ thuật công nghiệp. PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường có trách nhiệm mở những ngành đào tạo để có thể dẫn dắt sự phát triển của thị trường, còn nếu chạy theo thị trường sẽ không đủ. Có những ngành mở ra để đón đầu 5 - 7 năm và khi thị trường phát triển, chúng ta đã có nguồn nhân lực chất lượng cao để dẫn dắt thị trường.
Sự phát triển công nghiệp không chỉ tạo ra thị trường, mà còn phụ thuộc vào sự đóng góp của các trường. “Chúng tôi nhìn nhận thị trường theo hướng dài hạn. Đối với ngành truyền thống, không đơn giản đóng cửa ngay được. Và chúng ta không thể nói là phải mở ngay ngành mới. Chẳng hạn, có những ngành truyền thống của Trường ĐH Bách khoa, mặc dù số lượng sinh viên ít vì nhu cầu ngắn hạn của thị trường không cần đến, nhưng về tầm nhìn dài hạn thì vẫn cần đến lao động ở ngành nghề này. Vì thế, chúng tôi vẫn phải đào tạo và không thể “đóng cửa” ngành đó được. Đó là trách nhiệm xã hội của một trường công lập” - PGS Hoàng Minh Sơn nói.
Cũng theo PGS Hoàng Minh Sơn, việc mở ngành mới phải bảo đảm chất lượng và thương hiệu của nhà trường, không nên chỉ vì thị trường cần lao động mà mở ngành nghề đó. Quan trọng nhất là, đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo. Tóm lại mọi thứ phải bảo đảm điều kiện cần và đủ. Khi thực hiện cơ chế tự chủ, trường được tự quyết trong việc mở ngành, nhưng kèm theo đó là trách nhiệm với xã hội sẽ nặng nề hơn. Do đó, các trường cần hết sức cân nhắc khi mở ngành đào tạo mới.
“Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa công nghệ vào ngành nghề truyền thống. Trong tương lai không xa, những sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ có kiến thức, kỹ năng tốt về công nghệ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp” - PGS Phạm Hồng Chương cho hay.
Từ kinh nghiệm thực tế của trường, PGS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Quy định mở ngành có mấy điểm cần tập trung: Thứ nhất là ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Họ là những người sử dụng lao động nên ý kiến của họ có tính chất quyết định. Thứ hai, chất lượng các chương trình đào tạo.
“Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm, sử dụng ý kiến trong nước và cả trong trường, năm vừa rồi, chúng tôi đưa ra 7 chương trình đào tạo mới. Đây đều là những chương trình mới hoặc đang triển khai tại các trường ĐH lớn trong khu vực và trên thế giới. Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm của họ bằng cách kết hợp với chính những trường ĐH đó.
Cụ thể: Có những môn học, giảng viên của trường chưa thể dạy ngay được, chúng tôi mời chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ. Với sự hợp tác như vậy, trường mới có đội ngũ chuyên gia giỏi” – PGS Phạm Hồng Chương chia sẻ, đồng thời trao đổi: Đối với ngành kinh tế, kinh doanh đòi hỏi sự năng động, sát sao và kịp thời nên buộc phải thực hiện theo phương thức trên.
Nếu chúng ta đợi đào tạo chuyên gia, giảng viên xong thì lúc đó sẽ bị muộn.
Xu hướng tất yếu
Các trường ĐH cần “bắt tay” với thị trường lao động khi mở ngành đào tạo mới. (Ảnh: IT)
Trước vấn đề các trường ĐH được tự chủ mở ngành đào tạo và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây là xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Nhưng trước hết, các cơ sở GDĐH phải đáp ứng yêu cầu thị trường, đơn vị sử dụng lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời các trường cũng phải đáp ứng những chuẩn tối thiểu theo quy định của Nhà nước và thông lệ quốc tế.
“Chẳng hạn, theo quy định về chuẩn đầu ra với từng trình độ đào tạo quy định trong khung trình độ quốc gia Việt Nam. Đối với những tiêu chí cho mỗi chương trình đào tạo, cần đạt những yêu cầu tối thiểu nào? Những quy định mang tính chuẩn mực tối thiểu sẽ tạo ra sự thống nhất trong hệ thống không gian GDĐH Việt Nam, đáp ứng những thông lệ chuẩn mực quốc tế. Từ đó, GDĐH Việt Nam mới nhanh chóng hội nhập khu vực và thế giới” - PGS Nguyễn Thu Thủy đặt vấn đề.
Cho rằng, GDĐH vận động không ngừng, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước, PGS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: Việc mở ra những ngành nghề đào tạo mới là xu hướng tất yếu để các cơ sở GDĐH đáp ứng được yêu cầu thay đổi của thị trường. Do đó, việc đáp ứng của các cơ sở GDĐH với yêu cầu của xã hội, phát triển kinh tế Nhà nước, với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong các ngành nghề, thành phần kinh tế khác nhau của đất nước là xu hướng không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, PGS Nguyễn Thu Thủy lưu ý: Nếu các cơ sở GDĐH mở ra ngành nghề mới mà không gắn với yêu cầu thị trường thì đó mới là điều đáng nói. Khi đó, ngoài việc không đáp ứng quy định pháp lý về vận hành, thị trường sẽ có ngay phản ứng với quyết định của nhà trường; mà cụ thể là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sẽ thấp. Khi đó, các nhà trường sẽ phải tự trả lời câu hỏi: Sự tồn tại của nhà trường, của ngành nghề mới đó có phù hợp với thị trường hay không?
“Với sự phát triển dài hạn, đồng thời có tầm nhìn của nhà lãnh đạo ở các trường ĐH, với sự tâm huyết của các thầy cô trong hệ thống, tôi tin các cơ sở GDĐH sẽ không mở các ngành nghề một cách ồ ạt. Cơ chế thị trường ngày càng rõ nét hơn trong hệ thống GDĐH của Việt Nam. Cơ chế này sẽ giúp thanh lọc những cơ sở đào tạo thiếu chất lượng hoặc đào tạo những ngành nghề không còn phù hợp”. - PGS Nguyễn Thu Thủy
Theo Minh Phong
Giáo dục & Thời đại